Ninh Phước-Những thành tựu trong xây dựng và phát triển

(NTO) Thời kỳ mới tái lập tỉnh, huyện Ninh Phước gồm 15 xã, thị trấn với dân số 179.788 người, diện tích tự nhiên 397,48 km2. Đến tháng 10-2009, do điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập huyện Thuận Nam, diện tích tự nhiên toàn huyện còn 341,03 km2, với 9 xã, thị trấn và 66 thôn, khu phố; dân số khoảng 132.000 người.

Trong công cuộc đổi mới, với nền tảng cơ bản và tiềm năng, lợi thế sẵn có, kế thừa truyền thống anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, sáng tạo và tranh thủ sự giúp đỡ của tỉnh, huyện Ninh Phước đã từng bước vươn lên, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), trở thành một trong những địa phương tiên phong về xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh.

Một góc trung tâm huyện lỵ Ninh Phước ngày nay. Ảnh: Văn Miên

Về Ninh Phước trong thời điểm toàn huyện đang tập trung triển khai thực hiện mô hình “cánh đồng lớn”, phần nào lý giải được vì sao địa phương này lại được ví như “thủ phủ” nông nghiệp của tỉnh, với tổng diện tích gieo trồng hằng năm lên đến 24.000 ha. Nổi tiếng với các loại cây, con “đặc sản” như nho, táo, dê, cừu, huyện nhà đang trên đà xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mà ở đó người nông dân có thể làm giàu trên chính đồng ruộng và trên chính những cây, con truyền thống của quê hương mình.

Đồng chí Nguyễn Đô, Chủ tịch UBND huyện nhìn nhận: Trên bình diện chung, sau 25 năm tái lập tỉnh, kinh tế của huyện có bước tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế cơ bản chuyển dịch theo hướng tích cực, bước đầu khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt khoảng 11-16%. Thu ngân sách nhà nước đạt và vượt chỉ tiêu hàng năm. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng gắn với đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa có sự chuyển biến rõ nét; các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo được quan tâm triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở mức 28 triệu đồng/người, tăng gần 52,8 lần so với năm 1992 (0,53 triệu đồng/người). Tỷ lệ hộ nghèo trong vòng 25 năm giảm khoảng 30%, hiện còn dưới 9% theo chuẩn mới; 5/8 xã được công nhận xã NTM.

Nông dân Ninh Phước ứng dụng hiệu quả thiết bị cơ giới vào sản xuất.

Với vị thế là huyện nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, “tiên phong” về cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, huyện Ninh Phước đã tiến hành quy hoạch lại vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh ứng dụng các mô hình khoa học-kỹ thuật; liên kết với các doanh nghiệp, công ty giống trong và ngoài tỉnh triển khai nhiều mô hình trình diễn cho nông dân học tập, đúc kết kinh nghiệm và nhân rộng ở nhiều xã. Một trong những mô hình được bà con nông dân trên địa bàn áp dụng rộng rãi và thành công là mô hình trồng lúa “1 phải, 5 giảm”, hiện đã nhân rộng trên diện tích 3.437 ha; cho năng suất bình quân 76 tạ/ha (cá biệt có một số hộ đạt từ 80-90 tạ/ha), lợi nhuận so với sản xuất cũ là 7,3 triệu đồng/ha; trồng măng tây xanh chủ yếu ở xã An Hải, lợi nhuận đạt trên 540 triệu đồng/ha. Ngoài ra còn nhiều mô hình sản xuất hiệu quả khác như trồng nho, táo theo hướng VietGAP; trồng táo kết hợp với nuôi cừu, dê vỗ béo; trồng rau an toàn; nuôi heo thịt từ 600-2.000 con/trại… Về nuôi trồng thủy sản, phát triển mạnh sản xuất tôm giống, nhiều trại tôm giống được thành lập; năm 2010 xuất bán 6.750 triệu con tôm Post đến năm 2016 đã xuất bán 11.200 triệu con, đưa Ninh Phước trở thành 1 trong 2 vùng trọng điểm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả tỉnh.

Bên cạnh phát triển nông nghiệp, huyện Ninh Phước cũng có những bước tiến quan trọng trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Các mô hình sản xuất chế biến nho, táo, rau sạch, nhất là sản phẩm rượu vang nho, mật nho, nho sấy khô đã hình thành và phát triển, từng bước tạo thương hiệu, uy tín trên thị trường, kích thích sản xuất nông nghiệp. Tranh thủ sự đầu tư của Trung ương và của tỉnh, huyện còn đầu tư hạ tầng, khai thác thế mạnh truyền thống của người dân để phát triển các làng nghề theo hướng đa dạng sản phẩm như: gốm mỹ nghệ Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ gắn với phát triển du lịch.

Cây nho Ninh Phước và các sản phẩm chế biến tạo thương hiệu, uy tín trên thị trường. Ảnh: Sơn Ngọc

Tự hào với những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện Ninh Phước tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Theo đó, toàn huyện bám sát mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020), đề ra mục tiêu: Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của huyện để phát triển KT-XH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ; giảm tỷ trọng ngành Nông nghiệp theo hướng đầu tư có trọng điểm và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp. Toàn huyện phấn đấu đến năm 2020, tổng giá trị sản xuất các ngành tăng 1,78 lần; thu nhập bình quân đầu người gấp 1,85 lần; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội để phát triển KT-XH nhanh, bền vững và xây dựng thành công nông thôn mới, cùng với các huyện, thành phố ra sức xây dựng tỉnh nhà ngày càng văn minh, giàu đẹp.