Ninh Hải tập trung phát triển kinh tế biển

(NTO) Với lợi thế bờ biển dài 56,6 km và giàu tài nguyên, những năm qua, Đảng bộ huyện Ninh Hải đã tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế biển trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” của huyện.

Đồng chí Trần Văn Đông, Bí thư Huyện ủy Ninh Hải, cho biết: Nhằm khai thác tối đa những tiềm năng và lợi thế sẵn có, Đảng bộ và chính quyền huyện nhà đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác toàn diện, hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Theo đó, huyện tập trung phát triển vào các lĩnh vực hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, chế biến và dịch vụ hậu cần cho sản xuất thủy sản; phát triển du lịch Những năm qua, huyện Ninh Hải đã tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư nâng cấp và xây dựng hệ thống giao thông, dịch vụ hậu cần ven biển như: Cầu cảng cá Ninh Chử, Mỹ Tân, khu neo đậu tránh trú bão ở Ninh Chử, bờ kè chắn sóng... nhằm giúp ngư dân đẩy mạnh hoạt động khai thác hải sản. Ngoài ra, huyện cũng đang triển khai 2 dự án ở khu vực Đầm Nại phục vụ nuôi trồng thủy sản, khu neo đậu tàu thuyền và hướng đến du lịch sinh thái ven Đầm Nại. Cùng với đó, huyện còn chú trọng phát triển các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá như: Phân xưởng đóng, sửa chữa tàu thuyền tại Khánh Hội (xã Tri Hải), trạm xăng dầu, cơ sở sản xuất nước đá, các đại lý kinh doanh hải sản, các cơ sở thu mua và chế biến sản phẩm hải sản... Qua đó, đáp ứng được nhu cầu phát triển nghề khai thác hải sản ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đầu tư phát triển tàu thuyền có công suất lớn vươn khơi, bám biển dài ngày. Đến nay, toàn huyện có 843 tàu thuyền, với tổng công suất 71.531 CV, bình quân 85 CV/chiếc. Riêng tàu có công suất 90 CV trở lên có 245 chiếc hầu hết được trang bị thiết bị hiện đại như máy dò ngang, máy dò đứng... tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển dài ngày khai thác các ngư trường ở vùng khơi. Nhờ đó, sản lượng khai thác hải sản của địa phương trong năm qua đạt trên 13.000 tấn, tăng 1.500 tấn so với những năm trước đây.

Ngư dân Khánh Hội (Tri Hải, Ninh Hải) đầu tư tàu thuyền công suất lớn vươn khơi, bám biển khai thác hải sản.
 
 
Nghề nuôi ốc hương ở Ninh Hải cho thu nhập cao bảo đảm đời sống nông dân.

Trong nuôi trồng thủy sản, cùng với quy hoạch các vùng nuôi việc phát triển các đối tượng nuôi trồng chủ lực như: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ốc hương, rong sụn được chú trọng. Bên cạnh đó người dân đã từng bước chuyển sang nuôi một số đối tượng mới như tôm hùm, tôm hùm giống, cá bớp, cua, ghẹ... mang lại giá trị kinh tế cao. Đến nay, huyện Ninh Hải đã phát triển ổn định 500 ha nuôi trồng thủy sản; 190 trại sản xuất tôm giống với sản lượng tôm trong năm 2016 đạt 4,96 tỷ con post, đáp ứng nhu cầu giống trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, huyện còn phát triển đồng muối diêm dân, với diện tích 652 ha, tập trung chủ yếu ở khu vực Đầm Vua, Tri Hải, Khánh Hải... với sản lượng đạt 100.000-120.000 tấn/năm, qua đó góp phần tăng thu nhập cho diêm dân và giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động địa phương.

Đối với phát triển du lịch, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương thông qua các phương tiện truyền thông. Đến nay, trên địa bàn huyện có 32 khách sạn, nhà nghỉ với 560 phòng, trong đó, đưa vào khai thác một khu du lịch tiêu chuẩn 5 sao, 2 cơ sở có phòng ngủ đạt tiêu chuẩn 4 sao, 2 cơ sở 2 sao. Ngoài số khách sạn, nhà nghỉ hiện có, hiện nay trên địa bàn huyện cũng đã có nhiều dự án phát triển du lịch đang được triển khai đầu tư và đưa vào sử dụng như: Dự án khu nghỉ mát cao cấp của Công ty Cổ phần Nam Núi Chúa; Dự án khu đón tiếp dịch vụ du lịch Vĩnh Hy thuộc Công ty TNHH Phát Hoàng Long-Ninh Thuận; Trung tâm Giáo dục và Dịch vụ môi trường thuộc Vườn quốc gia Núi Chúa... Bên cạnh nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch, huyện còn chú trọng khôi phục và phát triển các chuỗi lễ hội truyền thống như lễ hội cầu ngư, đua ghe, các điểm văn hóa tâm linh... nhằm tạo điểm nhấn với du khách và nhân dân địa phương đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nhờ đó, lượng khách đến Ninh Hải tăng đáng kể. Riêng năm 2016, đạt 761.110 lượt khách, doanh thu du lịch đạt 175 tỷ đồng.

Tàu đáy kính của Vườn Quốc gia Núi Chúa phục du khách tham quan vịnh Vĩnh Hy. Ảnh: Sơn Ngọc

Trao đổi với chúng tôi về định hướng phát triển kinh tế biển của địa phương trong những năm tới. Đồng chí Bí thư huyện ủy cho biết thêm: Để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, giải pháp trọng tâm của huyện là tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng các dự án theo thứ tự ưu tiên; đầu tư đóng mới và cải hoán tàu thuyền thay thế dần các phương tiện khai thác có công suất nhỏ, hiện đại hóa trang thiết bị trong sản xuất và phát triển các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá; xây dựng một số mô hình nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao; ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất giống thủy sản theo chiều sâu và áp dụng khoa học-kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng giống. Quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến muối trên địa bàn; khai thác tốt tiềm năng du lịch biển, du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan...; tập trung kêu gọi, thu hút nguồn vốn phát triển du lịch, khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện vào các dự án du lịch đã được cấp phép tại Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải), Hòn Đỏ (xã Thanh Hải) và Ninh Chử (thị trấn Khánh Hải); xây dựng 3 cụm du lịch, dịch vụ Vĩnh Hy, Ninh Chử- Đầm Nại và cụm Thanh Hải để khai thác các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao rừng-biển... nhằm tạo giá trị gia tăng và khai thác tối đa tiềm năng về du dịch trên địa bàn huyện.