Tập trung chăm sóc cây trồng vụ đông-xuân

(NTO) Những ngày đầu Xuân Đinh Dậu 2017, tranh thủ thời tiết nắng ấm, nông dân toàn tỉnh tập trung ra đồng chăm sóc cây trồng vụ đông–xuân, với niềm tin cho mùa vụ bội thu.

Theo đánh giá, từ đầu vụ đông-xuân đến nay có mưa nhiều, do đó sản xuất nông nghiệp thay đổi nhất định so với vụ cùng kỳ năm trước. Điểm khác biệt nhất đó là diện tích lúa mở rộng lên trên 15.660 ha, tăng gần 3.000 ha; trong khi đó, diện tích cây màu 2.834 ha, giảm hơn 1.000 ha so với cùng kỳ. Diện tích lúa vụ này tăng là dễ hiểu, vì trước Tết Nguyên đán mưa lớn, nhiều khu vực ngưng sản xuất do thiếu nước trước đây được nông dân tái trồng lúa. Đồng chí Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) cho biết: Hiện có 576 ha trà lúa sớm gieo đầu tháng 12-2016 đang ở giai đoạn làm đòng. Trà chính vụ gần 15.000 ha gieo vào cuối tháng 1-2017 đang ở giai đoạn đẻ nhánh. Riêng 2.834,5 ha rau màu các loại đang ở giai đoạn phát triển thân lá.

 

Nông dân xã Phước Hậu (Ninh Phước) chăm sóc lúa vụ đông - xuân.

Thực tế xuống giống thiếu đồng loạt ở những khu vực nằm ngoài hệ thống tưới của đập Nha Trinh-Lâm Cấm trong vụ này đang gây khó khăn cho công tác chăm sóc, nhất là khâu kiểm soát sâu bệnh. Chi cục TT&BVTT đang phối hợp với các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch hại, hướng trọng tâm vào điều tra, dự báo. Thực hiện chỉ đạo của Chi cục, các Trạm TT&BVTV cũng đã củng cố, hoàn thiện mạng lưới cộng tác viên bám sát đồng ruộng, theo dõi tình hình dịch bệnh trên các loại cây trồng đảm bảo chính xác, kịp thời. Đối với Chi cục, đang tiến hành đốt bẫy đèn ở những vùng trọng điểm trồng lúa ở huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn để theo dõi diễn biến sinh vật gây hại trên đồng ruộng. Kết quả điều tra, thời điểm hiện nay sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện ở Ninh Phước, Ninh Sơn mật độ nhẹ, trên tổng diện tích 12 ha, tỷ lệ hại 3-5%. Ngoài ra, ruồi đục trái, đục lá, bệnh thán thư, bọ trĩ cũng đã gây hại một số diện tích cây màu nhưng không đáng kể. Tình hình sâu bệnh gây hại phổ biến ở mức độ nhẹ, nông dân đã phun thuốc theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, khống chế không để lan ra diện rộng.

Theo những người làm chuyên môn, giai đoạn này cây trồng cần được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật để tích tụ dinh dưỡng cho trổ bông, kết hạt. Ngành chức năng khuyến cáo nông dân sử dụng nước tưới hợp lý, tránh lãng phí, vừa đảm bảo cây trồng phát triển tốt. Đồng chí Phạm Văn Hường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết: Hiện nay 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã tích đầy nước, dư tưới cho cây trồng vụ đông-xuân, nhưng để duy trì nguồn nước sản xuất các vụ tiếp theo, nhất là vụ hè-thu tới cần phải điều tiết nước hợp lý. Công ty đang vận động các huyện nhân rộng mô hình quản lý tưới nước có sự tham gia của người sử dụng đang áp dụng có hiệu quả ở huyện Thuận Bắc.

Nông dân xã Phước Sơn chăm sóc cây bắp nhân giống vụ đông- xuân 2016- 2017. Ảnh: Sơn Ngọc

Nông dân tỉnh ta có nhiều kinh nghiệm trong canh tác cây lúa, nên việc thực hiện các biện pháp kiểm soát sâu bệnh rất thông thạo. Tuy nhiên, nhiều hộ chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây trồng cạn nên làm ảnh hưởng đến năng suất. Vụ này, các địa phương tiếp tục thực hiện Chương trình chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả của tỉnh với quyết tâm giành được nhiều thắng lợi. Tuy nhiên, chương trình có những điều chỉnh nhất định so với kế hoạch ban đầu do thời tiết thay đổi. Sau đợt mưa lũ vào cuối năm 2016, tỉnh thành lập đoàn công tác kiểm tra tình hình sản xuất ở các địa phương, nhận thấy một số vùng không chuyển đổi cây trồng cạn được do chân ruộng đọng nước. Căn cứ vào thực tế, kế hoạch chuyển đổi được điều chỉnh từ 1.518 ha, xuống còn 670 ha. Cụ thể, Ninh Phước 110 ha, Ninh Sơn 94 ha, Thuận Bắc 136 ha, Thuận Nam 150 ha, Bác Ái 180 ha. Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho hay: Thực hiện chỉ đạo làm tốt công tác chăm sóc cây trồng ở những vùng chuyển đổi để nâng cao năng suất, đơn vị đã cử cán bộ kỹ thuật về cơ sở phối hợp với các Trạm Khuyến nông huyện theo dõi, nắm bắt tình hình, tham gia phòng, chống sâu bệnh trên cây trồng, đảm bảo sản xuất có hiệu quả.

Nỗ lực của các ngành chức năng, địa phương “sát cánh” cùng nông dân chăm sóc cây trồng vụ đông-xuân hứa hẹn đem đến mùa vụ bội thu, tạo đà cho sản xuất nông nghiệp cả năm 2017 phát triển ở tầm cao mới.