Tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi

(NTO) Thuận Bắc là huyện miền núi có diện tích đất tự nhiên 319,2 km2, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 8.623,7 ha.

Nhằm khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực khác, nhất là phát huy năng lực tưới của hồ Sông Trâu, Bà Râu, Thuận Bắc xác định phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị nông sản hàng hóa thuộc lợi thế của huyện, hướng dẫn nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới vào sản xuất làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Huyện Thuận Bắc trên đường phát triển. Ảnh: Lê Văn Hùng

Sau những đợt mưa vừa qua, cuối năm nay, chúng tôi trở lại một số vùng trên địa bàn huyện Thuận Bắc, cảm giác đầu tiên là hạn hán dường như đang lùi dần để nhường lại cho màu xanh của cây lá. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc, những năm trước, khi hạn hán chưa xảy ra, phát huy lợi thế các công trình thủy lợi đã được đầu tư, Thuận Bắc mở rộng sản xuất, nâng diện tích gieo trồng từ 9.650 ha lên 10.742 ha và từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Mô hình trồng cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc, triền núi được người dân các xã miền núi Phước Kháng, Phước Chiến, Bắc Sơn, Công Hải và Lợi Hải phát triển, tạo thu nhập, cải thiện đời sống. Đơn cử như thôn Đầu Suối A (Phước Chiến), nhờ địa hình đồi núi có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, từ lâu người dân đã đầu tư phát triển trồng chuối, với diện tích khoảng 50-52 ha. Anh Chamaléa Huyền, Trưởng thôn Đầu Suối A, cho biết: Trung bình mỗi hộ dân trồng từ 1-2 sào, cá biệt có hộ trồng trên 1 ha, tiêu biểu là chị Kadá Thị Kích trồng 3 ha, thu nhập hằng năm trên 100 triệu đồng từ chuối.

Nông dân xã Phước Chiến trồng cây mít theo Đề án Trồng cây công nghiệp,
cây ăn quả trên đất dốc, triền núi.

Nhờ chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nên tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp ở Thuận Bắc bình quân hằng năm đạt 6%. Theo anh Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, do tình hình khô hạn, việc triển khai thực hiện Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chú trọng. Năm 2016, Thuận Bắc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong 2 vụ đông-xuân, hè-thu với tổng diện tích 669,5 ha, trong đó có 178,5 ha trồng đậu xanh, 80 ha bắp, 11 ha mè, 92,65 ha cỏ chăn nuôi và 82,2 ha cây trồng khác. Đặc biệt, ở vùng chủ động nước, đã nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, với tổng diện tích 554 ha, trong đó vụ đông-xuân quy mô 403 ha (Bắc Phong 300 ha, Công Hải 103 ha) và vụ hè-thu nhân rộng 151 ha tại xã Bắc Phong (năng suất đạt 7,1 tấn/ha). Riêng xã miền núi Công Hải, nhờ kết hợp với sản xuất lúa giống xác nhận, năng suất bình quân đạt 7,8 tấn/ha. Nhìn chung, người dân đã hưởng ứng tích cực việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sử dụng ít nước; từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây trồng cạn. Các địa phương đã thành lập được các tổ sản xuất, đồng thời ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thống nhất giá sàn đối với các sản phầm cây trồng cạn (đậu xanh, bắp…) nên người dân yên tâm sản xuất.

Nuôi cừu sinh sản theo hướng phát triển ngành chăn nuôi ở xã Bắc Sơn.

Đại hội Đảng bộ huyện Thuận Bắc lần thứ III, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất và giá trị ngành, chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành; phấn đấu giá trị sản xuất hằng năm tăng bình quân 7%. Để cụ thể hóa, Thuận Bắc tập trung triển khai tốt kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi. Hiện nay, tuy khô hạn làm ảnh hưởng nhưng Thuận Bắc vẫn duy trì được tổng đàn gia súc có sừng gần 36.000 con, trong đó có gần 21.000 con trâu, bò và trên 16.000 con dê, cừu; ngoài ra còn có đàn heo trên 12.500 con và đàn gia cầm khoảng 122.000 con. Trong chăn nuôi, Thuận Bắc đã tiến hành triển khai nhân rộng mô hình vỗ béo, nuôi sinh sản đàn bò, dê, cừu, đến nay tỷ lệ lai hóa đàn bò đạt trên 45%, đàn dê, cừu trên 70%, tạo điều kiện cho Nhân dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Phát huy kết quả những năm qua, Thuận Bắc tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng; giảm diện tích đất lúa, chuyển mạnh một số diện tích đất lúa chủ động nước sản xuất kém hiệu quả và đất gò sang trồng một số cây hoa màu. Đặc biệt, tập trung phát triển một số cây ăn quả tại một số vùng đất màu chủ động nước và các xã miền núi; tiếp tục khai thác các hồ đập phục vụ sản xuất nông nghiệp và khai hoang mở rộng diện tích tại các vùng tưới. Trước mắt trong năm 2017, Thuận Bắc đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa, với diện tích 730 ha; tiếp tục thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả cao phù hợp với từng địa phương; tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình nuôi bò, dê, cừu sinh sản và vỗ béo; mô hình nuôi heo đen, trong đó chú trọng công tác lai tạo đàn gia súc, mà điểm nhấn là triển khai thí điểm mô hình nuôi bò Úc.