Hỏi - đáp về luật tố tụng hành chính năm 2015

 Hỏi: Người đại diện theo ủy quyền của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có gì mới?

Đáp: Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ ba.

Theo văn bản của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vướng mắc, đối với những trường hợp người bị kiện là UBND hoặc Chủ tịch UBND thì Chủ tịch UBND chỉ được ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND đại diện tham gia tố tụng. Phó Chủ tịch UBND không được ủy quyền lại cho người thứ ba tham gia tố tụng.

Hỏi: Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có đề cập đến hai chức danh là Thẩm tra viên và Kiểm tra viên, nhiệm vụ và quyền hạn của hai chức danh này là gì?

Đáp: Đây là hai chức danh mới được bổ sung theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đối với Thẩm tra viên, theo Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014 đối với Kiểm tra viên.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm tra viên theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015:

- Thẩm tra hồ sơ vụ án hành chính mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

- Kết luận về việc thẩm tra và báo cáo kết quả thẩm tra, đề xuất phương án giải quyết vụ án hành chính với Chánh án Tòa án.

- Thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định của Luật này.

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015:

- Nghiên cứu hồ sơ vụ án, báo cáo kết quả với kiểm sát viên.

- Lập hồ sơ kiểm sát vụ án hành chính theo sự phân công của Kiểm sát viên hoặc Viện trưởng Viện Kiểm sát.

- Giúp Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo quy định của Luật này.