Khoảnh khắc & sự kiện 4-2

 * Ngày 4-2-1947: Thành lập Nha Nghiên cứu Kỹ thuật (nay là Viện Khoa học và Công nghệ quân sự). Kỹ sư, thiếu tướng Trần Đại Nghĩa là Cục trưởng kiêm Giám đốc đầu tiên của Nha. Ông đã cùng với các ông Nguyễn Trinh Tiếp, Ngô Gia Khảm nghiên cứu thiết kế và chế tạo ra các loại vũ khí như: súng Bodoca, súng SKZ, đại bác DKZ, đạn bay... góp phần vào các chiến dịch chống Pháp thắng lợi.

Tượng đài chí sĩ Tăng Bạt Hổ.

Đặc biệt, súng SKZ 60 bắn đạn lõm do Nha Nghiên cứu Kỹ thuật nghiên cứu và chế tạo là một loại súng không giật có kiểu dáng hoàn toàn độc đáo của Việt Nam có thể xuyên qua được 60 cm bê-tông. Năm 1996, công trình nghiên cứu chế tạo này đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học-công nghệ.

* Ngày 4-2-1950: Việt Nam và Ba Lan lập quan hệ ngoại giao. 67 năm qua, mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ba Lan luôn phát triển tích cực. Ba Lan đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ quan trọng trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc trước đây. Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp nhà nước, chính phủ và quốc hội cũng như các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Việt Nam luôn coi trọng củng cố và phát triển tình hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Ba Lan trên cơ sở độc lập, tự chủ và cùng có lợi. Ba Lan đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á và coi Việt Nam là đối tác quan trọng. Quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên phát triển năng động. Ba Lan hiện là bạn hàng lớn của Việt Nam tại Đông Âu.

* Ngày 4-2-2015: Khánh thành tượng đài Nhà chí sĩ Tăng Bạt Hổ. Sau gần 1 năm xây dựng tại Trung tâm thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, tượng đài Nhà chí sĩ Tăng Bạt Hổ đã được khánh thành, với kinh phí trên 4,5 tỷ đồng. 

Tượng đài được đúc bằng đồng nguyên chất, với chiều cao 6,2 m, phần đế có chu vi 10m. Việc xây dựng và khánh thành tượng đài Tăng Bạt Hổ thể hiện lòng tri ân, tôn kính, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. 

Tăng Bạt Hổ là một bậc hào kiệt, một nhà yêu nước nhiệt thành. Trong suốt gần 30 năm hoạt động cách mạng, ông đã đóng góp to lớn trong phong trào yêu nước của dân tộc Việt Nam. Tên tuổi và sự nghiệp của ông đã được sử sách lưu truyền và nhân dân cả nước tôn vinh.

* Ngày 4-2: Ngày Thế giới phòng, chống Ung thư. Ngày Thế giới phòng chống thế giới là một sự kiện toàn cầu, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh ung thư, cách phòng chống, để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm thế giới có khoảng 14,1 triệu ca mắc mới, khoảng 8,2 triệu người tử vong, trong đó 2/3 là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Tuy nhiên, 1/3 số bệnh nhân có thể phòng ngừa được mắc bệnh, 1/3 có thể phát hiện sớm, giúp việc chữa trị đạt kết quả tốt. Chính vì vậy, công tác dự phòng và chống ung thư là biện pháp quan trọng.

Việt Nam là quốc gia thứ 87 trên bản đồ các quốc gia chung tay giảm thiểu gánh nặng ung thư cho toàn cầu. 

* Ngày 4-2-1961: Liên Xô phóng tàu thăm dò Sputnik-7. Sputnik-7 là tàu vũ trụ đầu tiên của Liên Xô được phóng để thám hiểm Sao Kim.

Quá trình phóng tàu Sputnik-7 bao gồm 2 giai đoạn cơ bản: một là đưa thiết bị thám hiểm Sao Kim (Venera probe) cùng với một hệ thống phóng (Earth orbiting launch platform) lên quỹ đạo xung quanh Trái Đất; hai là hệ thống phóng khởi động, đưa thiết bị thám hiểm bay tới Sao Kim. 

Mặc dù Sputnik-7 được đưa thành công lên quỹ đạo xung quanh Trái Đất, song trong giai đoạn 2, động cơ chính của hệ thống phóng chỉ hoạt động được 0,8 giây do có lỗ thủng trong hệ thống bơm nhiên liệu. Thiết bị thám hiểm Sao Kim cùng với hệ thống phóng sau đó rơi xuống khu vực Siberia. 

Theo TTXVN