Những “cánh tay” nối dài của ngành Y tế

(NTO) Với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân; phát hiện, tham gia giám sát và báo cáo tình hình dịch, bệnh; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng…, lực lượng y tế thôn bản là “cánh tay” nối dài của y tế cơ sở, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp chăm lo sức khỏe Nhân dân.

 Những đôi chân không mỏi

Vùng cao Phước Thành những ngày cuối năm trời mưa không ngớt, nhưng chị Chamaléa Thị Tê, cô đỡ thôn bản kiêm nhân viên y tế thôn Suối Lở (xã Phước Thành, Bác Ái) vẫn cần mẫn, chịu khó đến tận nhà, tận rẫy gặp gỡ bà con, nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh, khuyên chị em đến trạm y tế khám thai định kỳ… Chị Tê chia sẻ: Thôn Suối Lở có khoảng 100 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Raglai. Nhờ được tuyên truyền, vận động, giờ bà con “văn minh” hơn trước nhiều, phụ nữ có thai đến trạm khám thai, sinh con thì đến trạm y tế, biết cách cho con ăn uống để con không bị suy dinh dưỡng, vệ sinh nhà cửa để phòng dịch bệnh. Mình cũng phải thường xuyên đến thăm hỏi để vừa nắm tình hình, vừa tuyên truyền, vận động, chứ lâu không đến nhắc nhở bà con mình lại chủ quan, lơ là…

Trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chăm sóc sức khỏe từ tuyền y tế cơ sở. Ảnh: Sơn Ngọc

Năm 2006, chị Chamaléa Thị Tê được cử vào Bệnh viện Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh đào tạo làm cô đỡ thôn bản. Sau khóa học, chị được Trung tâm Y tế huyện Bác Ái phân công làm cô đỡ thôn bản, kiêm nhân viên y tế tại thôn Suối Lở. Có lợi thế là người địa phương, cộng với chuyên môn vững vàng, nhiệt tình, năng động nên hơn 10 năm công tác, chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được bà con tin tưởng, quý mến.

Đến thôn Rã Trên (xã Phước Trung, Bác Ái), hỏi chị Chamaléa Thị Thuế, cô đỡ thôn bản kiêm nhân viên y tế thôn, ai cũng biết. Không chỉ được đánh giá cao về chuyên môn, chị Thuế còn được bà con rất yêu mến, tin tưởng vì sự chu đáo, tận tình trong công việc. Chúng tôi tìm đến đúng lúc chị chuẩn bị đi cơ sở để nắm tình hình thai phụ, dịch bệnh trong thôn. Chị tâm sự: “Công việc này đòi hỏi phải kiên nhẫn, chịu khó mới có hiệu quả. Bây giờ có xe máy còn đỡ, chứ lúc mới vào nghề, hằng ngày đi tuyên truyền, vận động, kiểm tra, khảo sát tình hình dịch bệnh, thai phụ, mình chỉ toàn đi xe đạp thôi. Nhiều lúc, chị em lên rẫy không về nhà phải đi bộ vài cây số mới gặp được, không ít trường hợp thai phụ chuyển dạ lúc đêm khuya, không kịp đến trạm để sinh, mình phải đến tận nơi đỡ đẻ...”. Thôn Rã Trên có 175 hộ dân, đa số là đồng bào dân tộc Raglai. Nhờ sự đóng góp tích cực của chị, những năm qua, ở địa phương không có trường hợp tai biến sản khoa, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt…

Còn nhiều trăn trở

Xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác chăm lo sức khỏe Nhân dân, trước hết là công tác dự phòng, những năm qua, ngành Y tế đã tập trung thực hiện nhiệm vụ củng cố, xây dựng mạng lưới nhân viên y tế thôn bản đạt chất lượng hơn để từ đó triển khai đồng loạt và hiệu quả chương trình phòng bệnh cho người dân. Đến năm 2005, nhân viên y tế thôn bao phủ hầu hết các thôn, khu phố trong tỉnh. Đặc biệt, từ năm 2006, tỉnh ta phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc thực hiện Dự án “Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ sức khỏe sinh sản”, đến nay tổ chức đào tạo 86 cô đỡ thôn bản kiêm nhân viên y tế thôn về tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho các thôn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Đồng chí Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Nhân viên y tế thôn bản có nhiệm vụ hết sức quan trọng, bởi họ là người giúp cho ngành Y tế nắm được tình hình dịch bệnh trong cộng đồng chắc hơn, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời. Đây là đội ngũ nhân viên thông tin hai chiều với các trạm y tế về số trẻ sinh sẽ tiêm chủng trong tháng, tuyên truyền, vận động Nhân dân phòng các bệnh thông thường; phối hợp với cộng tác viên dân số, cộng tác viên dinh dưỡng… tuyên truyền các biện pháp kế hoạch hóa gia đình cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, kiến thức phòng chống suy dinh dưỡng cho các bà mẹ nuôi con dưới 5 tuổi… Nhờ đóng góp của họ, tình hình dịch bệnh tại địa phương được giám sát, phát hiện kịp thời, các chương trình y tế triển khai đạt hiệu quả.

Năm 2016, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 bệnh truyền nhiễm đạt 98%; phụ nữ mang thai được tiêm UV2 đạt 94%; số phụ nữ đẻ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh đạt trên 80%; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm đáng kể…

Với vai trò, nhiệm vụ là vậy, tuy nhiên, qua tiếp xúc, trao đổi, những nhân viên y tế thôn bản vẫn còn nhiều trăn trở. Chị Dung, nhân viên y tế thôn Phước Lợi (xã Phước Thuận, Ninh Phước) chia sẻ: Công việc của đội ngũ y tế thôn bản rất vất vả nhưng tiền phụ cấp lại rất thấp. Với mức hỗ trợ 0,5 mức lương cơ bản như hiện nay không đủ tiền xăng xe cho chị em đi cơ sở, nếu không yêu nghề, nhiệt tình chắc chắn sẽ không trụ đến ngày hôm nay. Được biết, thực hiện Quyết định 12/QĐ-UBND ngày 5-2-2015 của UBND tỉnh về việc quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với những người hoạt động không chuyên trách ở các xã, phường, thị trấn, thôn, khu phố, hiện nay, nhiều địa phương chưa có quyết định phê duyệt lại danh sách nhân viên y tế thôn, nên làm ảnh hưởng đến hoạt động của đội ngũ y tế thôn bản ở cơ sở.

Đến thăm những thôn xóm vùng cao, chúng tôi thật vui khi thấy đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, nông thôn ngày càng khởi sắc. Và có được kết quả đó một phần nhờ sự đóng góp thầm lặng của đội ngũ cán bộ y tế thôn bản. Hy vọng với sự quan tâm của các cấp, các ngành và đặc biệt sự tận tâm, nhiệt huyết từ những cán bộ thầm lặng ấy, những “cánh tay” nối dài của ngành Y tế sẽ ngày càng phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ, đóng góp vào sự nghiệp chăm lo sức khỏe Nhân dân.