Xuân ở chiến khu xưa

(NTO) Cuối năm, về huyện miền núi Bác Ái, vùng chiến khu xưa đã và đang có nhiều thay đổi.

 Ngược lên xã Phước Bình, đứng trên cao nhìn ra xa thấy một màu xanh của cây trái. Đi lên từ gian khó, xã vùng cao nằm giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa đang giữ vai trò quan trọng về phát triển nông, lâm nghiệp của huyện. Đây là xã được chọn triển khai các mô hình trồng trọt hiệu quả. Có lên Phước Bình mới biết, không nơi nào trong tỉnh chuối lại nhiều như ở đây, chuối được trồng trên rẫy, trong vườn nhà và phủ xanh cả đồi trọc. Xác định chuối là cây trồng chủ lực, hằng năm từ nguồn vốn Chương trình thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích, trồng tập trung với quy mô hàng trăm ha. Cây chuối nhanh chóng “lên ngôi” trở thành cây hàng hóa, mang lại thu nhập cao. Đất Phước Bình màu mỡ, khí hậu mát mẻ thích hợp với nhiều loại cây trồng. Phát huy lợi thế, huyện đã tập trung vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, trong đó mô hình trồng bưởi da xanh đã tạo bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp ở vùng cao.

Nhiều gia đình ở huyện vùng cao Bác Ái thoát nghèo nhờ thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả.

Về Bác Ái những ngày trước thềm năm mới, đi từ xã Phước Bình xuống Phước Tiến, qua Phước Chính, sang Phước Trung… trên các con đường mới mở, chúng tôi cảm nhận vùng đất cửa ngõ phía Tây-Bắc của tỉnh đang trên đà phát triển. Là huyện miền núi có trên 95% đồng bào dân tộc Raglai sinh sống, nhiều năm qua, Bác Ái luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Hiệu quả các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn đã có tác động trực tiếp đến cuộc sống của từng hộ dân. Với ý chí tự lực, tự cường, nông dân vùng chiến khu xưa đi lên bằng thực hiện các mô hình phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng đồng đất. Trong điều kiện khô hạn, bà con xã Phước Đại, Phước Chính, Phước Tân… đã đồng loạt chuyển đổi 40 ha đất lúa thiếu nước sang trồng đậu xanh, bắp lai cho thu nhập cao, vừa tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc.

Đồng chí Mẫu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: Năm 2016, với quyết tâm đưa Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 1-7-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về phát triển kinh tế-xã hội miền núi giai đoạn 2016-2020 vào cuộc sống, huyện đã huy động tối đa các nguồn lực để phát triển chăn nuôi, trồng rừng, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp, trang trại, gia trại gắn với kinh tế đồi vườn, áp dụng công nghệ cao đã giúp nhiều hộ dân có thu nhập cao. Hiện nay, đàn gia súc ở Bác Ái tăng cả về quy mô và chất lượng đàn, chỉ tính riêng nuôi heo, toàn huyện có 8 trang trại, số lượng hàng ngàn con. Hình thức nuôi gia công được doanh nghiệp đầu tư vốn mua thức ăn, giống, bao tiêu sản phẩm đã thu hút nhiều hộ tham gia. Từ lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng của Huyện ủy, UBND huyện, chăn nuôi có bước phát triển vượt bậc, giá trị sản xuất chiếm 35% trong ngành Nông nghiệp.

Nông dân xã Phước Bình thu hoạch chuối. Ảnh: V.M

Năm 2016, đánh dấu sự chuyển biến khá toàn diện về mọi mặt, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và tăng so với cùng kỳ. Hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo được sự đoàn kết, vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân. Đặc biệt, việc quan tâm đầu tư, phục dựng, tôn tạo một số lễ hội, di tích, thiết chế văn hóa đã góp phần bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào. Lĩnh vực y tế, giáo dục có bước phát triển mới cả về quy mô lẫn chất lượng. Trong năm, cơ sở trường lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư cơ bản, đáp ứng yêu cầu cho công tác dạy và học. Đến nay, tỷ lệ trường lớp kiên cố đạt 93%, có 6/36 trường đạt chuẩn quốc gia, 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó 55% trên chuẩn. Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng; các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được thực hiện có hiệu quả; đội ngũ y, bác sĩ, cô đỡ thôn bản, cơ sở vật chất, trang thiết bị được củng cố, tăng cường, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Là huyện có nhiều đối tượng có công với nước, Bác Ái coi thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội là góp phần vào củng cố lòng tin của bà con đối với Đảng nên đặc biệt quan tâm. Trong năm, thông qua lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án, huyện tập trung phân bổ kinh phí hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu, với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng; xây dựng 20 ngôi nhà cho gia đình chính sách. Nhờ đó, đến nay, cuộc sống của bà con có công với cách mạng, bà con ở các vùng tái định cư như: Phước Thắng, Phước Tân, Phước Hòa... đã ổn định.

Phát huy cao độ tinh thần yêu nước, kiên cường trong kháng chiến, năm 2016, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện Bác Ái đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, hòa nhập với đà phát triển chung của cả tỉnh. Bác Ái đang quyết tâm thoát khỏi vòng vây lạc hậu, hướng đến xây dựng cuộc sống hiện đại, văn minh bằng cách mở mang các hoạt động giao thương, dịch vụ. Năm 2016, huyện đã phối hợp tổ chức thành công 5 phiên chợ bán hàng bình ổn giá phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Hoạt động của chợ Phước Đại tại trung tâm huyện, chợ phiên Phước Tiến, Phước Thắng, Phước Bình... nhờ ngày càng tấp nập, tạo cuộc sống nhộn nhịp nơi miền sơn cước.

Đồng chí Mẫu Thái Phương phấn khởi: Xuân 2017 là mùa xuân tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội miền núi giai đoạn 2016-2020, huyện Bác Ái tăng cường đầu tư phát triển toàn diện về mọi mặt; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; Chương trình 135 giai đoạn III, tạo mọi điều kiện cho bà con đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng thu nhập, vươn lên làm giàu trên chính quê hương anh hùng.