Nâng cao năng lực tàu thuyền khai thác hải sản xa bờ

(NTO) Nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hải sản cho ngư dân, Nghị quyết (NQ) số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIII) về “Phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” xác định nhiệm vụ trọng tâm là củng cố và phát triển các mô hình dịch vụ khai thác trên biển theo hướng khuyến khích các thành phần kinh tế thành lập các đội tàu cung ứng dịch vụ hậu cần, thu mua sản phẩm khai thác xa bờ. NQ đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có tổng số tàu thuyền khoảng 2.900 chiếc/380.000 CV; sản lượng khai thác đạt 70.000-75.000 tấn, trong đó khai thác xa bờ chiếm 65%.

Trong mùa vụ khai thác cá năm nay, dù thời tiết, ngư trường có những diễn biến bất thường, nhưng ngư dân tỉnh nhà vẫn chủ động đánh bắt hiệu quả với tổng sản lượng hải sản khai thác toàn tỉnh ước khoảng 88.936,2 tấn, vượt 7,71% kế hoạch và tăng 16,64% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ tăng sản lượng khai thác, mà kể cả cơ cấu sản phẩm cũng đã chuyển dịch theo hướng tích cực, các loại hải sản như tôm, mực và cá có giá trị kinh tế cao ngày càng khai thác nhiều. Theo Chi cục Thủy sản (TS) tỉnh, trong vụ cá Nam có khoảng 90% tàu thuyền của tỉnh ta tham gia hoạt động khai thác TS đạt hiệu quả, trong đó có một bộ phận ngư dân tỉnh nhà vươn khơi khai thác tại các ngư trường vùng biển Trường Sa-Giàn khoan DK1. Vụ cá Bấc, ở huyện Thuận Nam, một nhóm khoảng 150 tàu cá hành nghề pha xúc của ngư dân xã Cà Ná và xã Phước Diêm đã di chuyển vào khai thác khu vực vùng biển từ Côn Sơn đến Phú Quốc (Kiên Giang). Đáng phấn khởi là nhờ hình thành và đẩy mạnh hoạt động các tổ hợp tác khai thác, các tàu cá này tổ chức đánh bắt hiệu quả ở các vùng biển xa. Tính đến thời điểm này, tỉnh ta đã thành lập được 145 Tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển, với 885 tàu cá tham gia.

 
Tàu vỏ gỗ, công suất 600 CV của bà Vương Thị Thúy Vân chuẩn bị hạ thủy. Ảnh: Mai Dũng

Để có được kết quả như trên, theo kỹ sư Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục TS tỉnh, trước hết là nhờ sự phát triển về năng lực tàu cá. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 2.753 tàu cá, với tổng công suất 296.008 CV, riêng tàu cá từ 90 CV trở lên có 980 chiếc (257.044 CV), chiếm 35,6% số tàu thuyền và 86,84% tổng công suất. Như vậy so với năm 2010, công suất tàu cá đã tăng thêm khoảng 104.000 CV. Từ khi có Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đi về các miền biển, chúng tôi ghi nhận tâm lý hồ hởi của một số chủ tàu cá khi nêu quyết tâm đóng tàu lớn, chuyển dịch nghề vươn khơi xa đánh bắt làm giàu cho gia đình, quê hương và góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị định trên, đã có 40 dự án được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện đăng ký vay vốn tín dụng để đóng mới, nâng cấp tàu cá (có 10 dự án rút tên không thực hiện), hiện tại đã có 12 tàu cá hoàn thành (8 tàu đóng năm 2015 đã hoạt động; 4 tàu mới đang hoàn thiện trang thiết bị); 8 chiếc đang thi công, dự tính đến hết quý I-2017 sẽ hoàn thành.

Triển khai kế hoạch khai thác hải sản, góp phần phát triển kinh tế biển theo tinh thần NQ số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy, Chi cục TS đã xác định mục tiêu tăng cường bám biển, mở rộng ngư trường khai thác, đặc biệt là tuyến khơi; áp dụng một số công nghệ khai thác tiên tiến, tiếp cận và tổ chức đánh bắt phù hợp. Theo đó, năm 2017, phấn đấu đạt chỉ tiêu khai thác 92.830 tấn hải sản các loại, đảm bảo 100% tàu cá trong tỉnh đều được trang bị an toàn trước khi ra biển, đặc biệt là tổ chức điều tra nghề khai thác TS bằng lưới rê-câu tại các vùng biển xa và tham mưu triển khai thực hiện thí điểm cho nghề lưới rê-câu khai thác tại vùng biển xa DK1 và Trường Sa. Để đạt được chỉ tiêu trên, Chi cục TS tỉnh nhấn mạnh một số biện pháp tổ chức liên kết khai thác trên biển đảm bảo tăng năng suất đánh bắt, giảm chi phí sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.

Nếu năm 2015, nghề cá tỉnh ta chỉ có 66 chiếc tàu khai thác xa bờ, thì cuối năm nay đã tăng lên 159 chiếc (trong đó có 139 tàu khai thác, 20 tàu dịch vụ), xu hướng đó đang được ngư dân tiếp tục hướng đến. Cùng với yếu tố cơ cấu tàu cá đang chuyển dịch theo hướng đánh bắt xa bờ, hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá cũng tương đối phát triển trên các cảng cá, bến cá, đủ khả năng đáp ứng 80% nhu cầu hoạt động khai thác hải sản. Kỹ sư Đặng Văn Tín cho biết: Từ kết quả đạt được năm qua, cho thấy có tín hiệu mới qua ý thức cần phải đóng thuyền to, tàu lớn và hợp tác liên kết với nhau để vươn khơi xa đánh bắt dài ngày của ngư dân. Tin rằng đây sẽ là tiền đề quan trọng tạo ra bước đột phá cho hoạt động khai thác hải sản của tỉnh nhà trong năm 2017.