Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh: Triển khai công tác phòng chống áp thấp nhiệt đới và mưa lũ trên địa bàn tỉnh

(NTO) Theo dự báo hồi 7 giờ ngày 12/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 9,4 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Bình Thuận – Bến Tre khoảng 300km về phía Đông- Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 8-9. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới đổi hướng di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10km.

 Ông Nguyễn Sỹ Thoại, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, cho biết: trong 24 giờ qua do ảnh hưởng của không khí lạnh, kết hợp rìa bắc ATNĐ khu vực Nam Biển đông khu vực tỉnh Ninh Thuận có mưa từ 10.0-20.0mm. Khả năng trong 24 giờ tới khu vực toàn tỉnh Ninh Thuận tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Chiều, đêm nay (12/12), ngày mai 13/12, trên Sông Cái và Sông Lu khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này mực nước tại trạm Thủy văn Tân Mỹ và Thủy văn Phước Hà lên mức BĐI-BĐII, khả năng trên BĐII. Đặc biệt chú ý các khu vực trọng điểm thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các xã: Lâm Sơn, Mỹ Sơn, Hòa Sơn, Ma Nới (huyện Ninh Sơn); Phước Chính, Phước Thành, Phước Trung, Phước Bình (huyện Bác Ái); Lợi Hải, Bắc Phong, Công Hải, Phước Chiến (huyện Thuận Bắc). Và cần đề phòng ngập úng vùng trũng ven biển: Tp. Phan Rang, huyện Ninh Phước. Cần chú ý theo dõi mực nước tại các hồ chứa để có biện pháp phòng chống kịp thời.

Tàu thuyền về neo đậu an toàn tại cảng Đồng Hải, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm. Ảnh: Sơn Ngọc

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ông Trần Văn Tuấn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, cho biết: Để chủ động triển khai phòng chống hiệu quả, Ban Chỉ huy PCTT-TKN đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công điện về việc tiếp tục triển khai thực hiện công tác phòng, chống ATNĐ, mưa lũ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; Chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện Công điện số 42/CĐ-TW ngày 11/12/2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Theo báo cáo nhanh, đến 11h, ngày 12-12-2016, tổng số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh là 2.370 chiếc/16.913 lao động đã được liên hệ và thông báo về diễn biếp ATNĐ để phòng chống hiệu quả. Trong đó, tổng số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 392 chiếc/3.058 lao động đã liên lạc được; Tàu thuyền neo đậu tại các bến, cảng của Ninh Thuận: 2.338 chiếc/13.855 lao động; Tàu thuyền tỉnh ngoài neo đậu tại Ninh Thuận: 40 chiếc/279 lao động ; Phương tiện thủy nội địa: 02 chiếc/16 lao động. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN cũng yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NN&PTNT và UBND các huyện, thành phố ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, thông tin kịp thời, đầy đủ cho chủ các phương tiện, người lao động, ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của ATNĐ để chủ động các biện pháp phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Duy trì liên lạc thường xuyên với thuyền trưởng, chủ các phương tiện và các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Đối với công tác quản lý vận hành hồ chứa thủy lợi, trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra mưa lũ, lượng nước đổ về hồ chứa lớn. Đến trưa ngày 12-12, dung tích 20 hồ chứa nước 184,81/192,03 triệu m3 đạt 96,24%. Các hồ chứa nước đang xả lũ như: Sông Sắt 2,92 m3/s, Phước Trung 2,23 m3/s, Sông Trâu 7,73 m3/s, Bà Râu 3,77 m3/s, Thành Sơn 1,05 m3/s, Cho Mo 5,36 m3/s…Ban chỉ huy PCTT&TKCN chỉ đạo Công ty TNHH-MTV khai thác công trình thủy lợi theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, tổ chức trực ban 24/24 giờ, kiểm tra chặt chẽ tình hình an toàn hồ chứa, phối hợp với các huyện trong việc thực hiện quy trình vận hành nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân phía hạ du do xả lũ gây ra.

Đối với UBND các huyện, thành phố bên cạnh việc triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả của các đợt mưa lũ vừa qua cần tích cực chủ động các biện pháp ứng phó với đợt mưa lũ mới có thể xảy ra, đặc biệt chú trọng một số nội dung như sau: Rà soát lại công tác chuẩn bị, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra; Kiểm tra dân cư sống tại các khu vực ven biển, cửa sông, trũng thấp, bị ngập lũ, lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhất là những khu vực ngập sâu, thường xuyên bị chia cắt để kịp thời sơ tán dân đến nơi an toàn.

Sở Giao thông vận tải chỉ đạo việc bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông suốt trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ.