VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông nghiệp!

(NTO) Có thể nói, hầu hết các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đều phục vụ nhu cầu ăn uống của người dân và tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Cho nên, trước tình trạng chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) suy giảm do dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc thú y, hóa chất và chất bảo quản… vượt giới hạn cho phép đã trở thành nỗi lo của người tiêu dùng trong bữa ăn hàng ngày…Thời gian qua tỉnh ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hành động quyết liệt, với nhiều giải pháp cụ thể nhằm siết chặt vấn đề vốn nhức nhối này. Đặc biệt, năm 2016 được xác định là Năm cao điểm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, để đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng VSATTP trong lĩnh vực này, đồng thời hưởng ứng Kế hoạch hành động do Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1618/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch hành động Năm cao điểm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu: Tiếp tục ngăn chặn, xử lý dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản; hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia trong các sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và PTNT trên địa bàn tỉnh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

Sở Khoa học& Công nghệ hỗ trợ nông dân trồng cây măng tây xanh theo hướng VietGAP
đem lại hiệu quả kinh tế cao ở xã An Hải, huyện Ninh Phước. Ảnh: Sơn Ngọc

Thực hiện mục tiêu nói trên, thời gian qua ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh nhà tăng cường công tác quản lý chất lượng và ATTP. Bên cạnh đó, khuyến khích, hướng dẫn người dân phát triển chăn nuôi an toàn, cam kết không sử dụng các chất cấm, chất tạo nạc, tăng trọng...; hình thành các vùng sản xuất rau an toàn tập trung, bước đầu đã hình thành một số chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn...Đến nay, đa số các mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn qua kiểm tra của cơ quan chức năng hầu hết đều không phát hiện chất cấm và dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, như vậy cũng không có nghĩa là người tiêu dùng đã hoàn toàn yên tâm với chất lượng thực phẩm trong nông nghiệp. Bởi lẽ trên thực tế, phần lớn người sản xuất nói chung vẫn còn nhiều hạn chế trong việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất cũng như kiến thức trong bảo đảm ATTP. Quy mô sản xuất phần lớn vẫn đang ở dạng nhỏ lẻ nên khó khăn trong công tác quản lý; tình trạng mất vệ sinh, không bảo đảm ATTP trong khâu giết mổ, nhất là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa có biện pháp để hạn chế, khắc phục hữu hiệu... Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến về công tác quản lý VSATTP ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, một số tồn tại về công tác này đã được chỉ ra, như lãnh đạo một số ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý VSATTP ngành Nông nghiệp. Tỷ lệ các cơ sở xếp loại B, C còn cao, nhất là các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm...

VSATTP trong nông nghiệp đã và đang trở thành một trong những vấn đề được người tiêu dùng quan tâm nhất hiện nay. Do vậy, để đảm bảo chất lượng ATTP sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, lợi ích người tiêu dùng, giữ vững uy tín về chất lượng sản phẩm của địa phương trên thị trường, đặc biệt chuẩn bị cho Tết dương lịch, Tết Nguyên đán 2017 sắp tới, vấn đề đặt ra là cần ưu tiên cho công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng và kiến thức VSATTP cho người dân. Hướng dẫn, vận động người sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc BVTV cho cây trồng; thuốc thú y, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; chất bảo quản, phụ gia trong bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm và đảm bảo điều kiện vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh. Phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi VSATTP. Khuyến khích giám sát cộng đồng trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm của các chủ thể sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản... Chấn chỉnh việc giết mổ, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ thịt giảm thiểu ô nhiễm vi sinh vật có hại… Phấn đấu đến cuối năm 2016, tỷ lệ mẫu giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản trong rau, quả; dư lượng hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản nuôi; ô nhiễm vi sinh trong thịt giảm 10% so với năm 2015; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP tăng 10% so với năm 2015; tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản xếp loại C (không đạt điều kiện đảm bảo ATTP) được nâng hạng A/B tăng 10% so với năm 2015…như Kế hoạch hành động của tỉnh đã đề ra, thực sự tạo niềm tin cho người tiêu dùng.