Ngư dân thực hiện khát vọng vươn khơi, bám biển

(NTO) Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản tại vùng lộng và ven bờ ngày càng suy giảm, để nâng cao hiệu quả khai thác, ngư dân tỉnh nhà đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất, tích cực đầu tư nâng cấp thuyền nghề theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa để đủ điều kiện vươn khơi, bám biển dài ngày khai thác hải sản trên các vùng biển xa, nhất là các ngư trường mới như Trường Sa, khu vực nhà giàn DK1... Đồng thời, qua đó góp phần bảo vệ vùng biển thân yêu của Tổ quốc.

 
Tàu cá Kim Anh do anh Lê Minh Trí, ngư dân ở Ninh Hải làm chủ được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.   Ảnh:H.T

Đồng chí Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Tập quán đánh bắt truyền thống của bà con ngư dân trong tỉnh là đánh bắt ven bờ, vùng lộng với nghề chính là pha xúc cá cơm, chiếm từ 50 - 60% số lượng tàu cá trên toàn tỉnh. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sản lượng thủy sản gần bờ suy giảm, kéo theo hiệu quả kinh tế thấp, ảnh hưởng đến đời sống của không ít ngư dân. Để khuyến khích, vận động ngư dân chuyển đổi nghề khai thác từ vùng lộng ra vùng khơi và vùng biển xa, Chi cục đã phân công cán bộ chuyên môn phối hợp cùng ngư dân tổ chức khảo sát thăm dò ngư trường khai thác, tham gia trực tiếp khai thác cùng ngư dân trên các vùng biển. Nhờ đó, đến nay đã có sự chuyển biến trong nhận thức của ngư dân về hiệu quả mang lại khi đánh bắt xa bờ, số tàu thường xuyên hoạt động tại vùng khơi và vùng biển xa ngày càng tăng, thời gian chuyến biển ngày càng dài. Đồng thời, Chi cục còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương vùng biển vận động ngư dân thành lập được 145 Tổ ngư dân đoàn kết khai thác hải sản trên biển với trên 880 tàu cá tham gia.

Những năm gần đây, ngư dân tỉnh ta đã không ngừng đầu tư đóng mới, cải hoán thuyền nghề nhằm vươn khơi, bám biển khai thác hải sản dài ngày tại các ngư trường xa. Tính đến nay, toàn tỉnh có 2.756 tàu cá với tổng công suất 289.972 CV, bình quân đạt 105,2 CV/chiếc. Riêng 9 tháng qua, năng lực tàu thuyền công suất lớn tăng nhanh với 40 tàu tăng thêm, tổng công suất trên 12.626 CV, bình quân đạt trên 315 CV/chiếc. Ngoài ra, ngư dân còn cải hoán thêm 65 chiếc/7.313 CV, bình quân 112,5 CV/chiếc. Hầu hết tàu cá hoạt động khai thác hải sản bằng nghề lưới vây và lưới rê đều trang bị máy thu lưới; hơn 300 tàu cá hoạt động bằng nghề lưới vây và vó ánh sáng đã trang bị máy dò ngang; một số tàu đã trang bị rada để ngăn ngừa đâm va với các phương tiện khác trong hành trình trên biển và hỗ trợ tích cực trong việc tầm soát ngư cụ trong quá trình khai thác. Trong giai đoạn 2013-2015, tổng sản lượng khai thác hải sản tăng bình quân 7,5%/năm. Tính từ đầu năm đến ngày 1-9-2016, toàn tỉnh đã khai thác được trên 71.970 tấn hải sản các loại, đạt 87,71% kế hoạch năm 2016 và bằng 128,79% so với cùng kỳ năm trước.

 
Những năm gần đây, ngư dân tỉnh ta đã không ngừng đầu tư đóng mới, cải hoán thuyền nghề
nhằm vươn khơi, bám biển khai thác hải sản dài ngày tại các ngư trường xa.

Ông Võ Ngọc Minh (khu phố 9, phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), Tổ trưởng Tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển, chia sẻ: Tổ đoàn kết của ông có 6 thành viên tham gia với 6 tàu, bao gồm cả tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần. Đa số tàu trong tổ đều được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, các tàu đều được trang bị thiết bị hiện đại, đầy đủ ngư lưới cụ, máy công suất lớn; hơn nữa thời gian qua được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước về nhiên liệu, trang thiết bị hàng hải nên không chỉ có ông mà các thành viên trong tổ đều rất phấn khởi và luôn sẵn sàng vươn khơi khai thác hải sản trên các ngư trường xa bờ, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Ông Trần Minh Tuấn (thôn Lạc Tân 1, xã Phước Diêm, Thuận Nam), ngư dân đánh bắt bằng nghề lưới rê, phấn khởi bộc bạch: Gia đình có 2 tàu công suất 400 CV và 420 CV. Lúc đầu, còn e ngại khi đánh bắt xa bờ bởi nhiều lý do, nhưng sau khi được sự động viên, hỗ trợ, hướng dẫn rất nhiệt tình của cán bộ Chi cục Thủy sản, cùng với những hiệu quả từ những chuyến biển đánh bắt xa bờ mang lại, gia đình ông cũng như các ngư dân tham gia đánh bắt xa bờ rất yên tâm và phấn khởi. Hằng năm, thu nhập của gia đình ông tăng thêm 200-300 triệu đồng nhờ “thoát” được thói quen đánh bắt gần bờ. Còn nhiều ngư dân khi chúng tôi có dịp tiếp xúc đều có nhận xét chung như ông Minh, ông Tuấn nêu trên.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai thực hiện kịp thời các chính sách và hỗ trợ, giúp ngư dân vững vàng vươn khơi đánh bắt hải sản có hiệu quả, góp phần bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.