Giải pháp góp phần ổn định đầu ra cho cây nho

(NTO) Lễ hội Nho và Vang-Ninh Thuận 2016 đã thành công tốt đẹp. Tọa đàm Nho và Vang là một trong chuỗi sự kiện hoạt động chính của Lễ hội Nho và Vang lần này. Tại buổi tọa đàm, có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và người nông dân trồng nho bàn và trao đổi về định hướng phát triển cây nho và các sản phẩm từ nho trong tương lai. Thiết nghĩ để mở rộng phát triển diện tích nho theo định hướng chung của ngành Nông nghiệp tỉnh nhà được ổn định, cần giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm nho của Ninh Thuận.

 
Vườn nho rượu NH02-90 trồng tại Ninh Thuận.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), số liệu thống kê (năm 2012) diện tích nho của trên thế giới đạt 7.155,183ha, sản lượng trên 77 triệu tấn. Trong đó, khoảng 71% sản lượng nho được dùng để sản xuất rượu vang, 27% dùng để ăn tươi và 2% dùng làm nho khô. Trong khi đó, sản xuất nho ở nước ta hiện nay thì ngược lại, sản lượng nho chủ yếu phục vụ với mục đích ăn tươi, diện tích trồng nho phục vụ chế biến rượu và nước giải khát các loại rất khiêm tốn (dưới 20ha).

Kết quả khảo nghiệm của Ladofoods (Công ty Cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng) đã khẳng định, Ninh Thuận là địa phương có khí hậu, đất đai phù hợp với việc trồng một số giống nho rượu. Bên cạnh đó, lãnh đạo Ladofoods cũng nhận định thị trường tiêu thụ rượu vang tại Việt Nam là rất lớn và không ngừng tăng trưởng bởi xu hướng tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn vì tính năng có lợi cho sức khỏe của vang. Thêm vào đó, tập đoàn giống nho của tỉnh (giao cho Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố quản lý) có trên 39 mẫu giống nho rượu trong tổng số 131 giống, trong đó có nhiều giống cho tiềm năng năng suất cao và chất lượng tốt phục vụ chế biến vang nho và nước giải khát các loại, chẳng hạn: NH02-90, NH02-97, NH02-137, NH02-04... Thiết nghĩ, việc mở rộng diện tích sản xuất nho rượu tại tỉnh nhà trong tương lai gần đã hội đủ mọi yếu tố thuận lợi, qua đó góp phần ổn định đầu ra cho cây nho của tỉnh trong thời gian đến. Để phát triển vùng nguyên liệu nho rượu, chúng ta cần quan tâm một số vấn đề sau: 1- Các ngành chức năng của tỉnh nên sớm quy hoạch bổ sung vùng phát triển nguyên liệu trồng nho phục vụ chế biến rượu vang; 2- Đầu tư nghiên cứu đồng bộ từ khâu giống, gói kỹ thuật đi kèm kết hợp với việc chế biến sản xuất rượu vang và nước giải khát các loại; 3- Đẩy mạnh liên kết đầu tư sản xuất, các doanh nghiệp sản xuất và chế biến rượu vang nho (trước hết là Ladofoods và các đơn vị khác đủ mạnh) mở rộng liên kết “4 nhà” để nhanh chóng mở rộng diện tích; 4- Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm rượu vang nho và nước giải khát chế biến từ nho và trong tương lai nên chăng xây dựng một thương hiệu riêng mang đặc trưng của vang nho Ninh Thuận.