Hoạt động của Phó Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị về phòng chống buôn lậu thuốc lá

Ngày 18/10, tại TPHCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị chuyên đề về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu thuốc lá do Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tổ chức.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá đã thu được những kết quả nhất định. Các lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu. Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá ban hành cách đây 2 năm quy định khá toàn diện nhiệm vụ của từng cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.

Tuy nhiên, tình hình buôn bán, vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu vẫn diễn ra công khai, ngang nhiên ở nhiều nơi. Nguyên nhân quan trọng là người đứng đầu các cấp, các ngành chưa tập trung chỉ đạo và đấu tranh quyết liệt. Việc thanh tra, kiểm tra, xác định trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan chức năng chưa làm thường xuyên, quyết liệt. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ công chức thiếu tinh thần trách nhiệm trong thi hành công vụ, thậm chí bao che, tiếp tay cho buôn lậu.

Theo Phó Thủ tướng, yêu cầu cấp bách hiện nay là phải ngăn chặn và đẩy lùi được tình trạng buôn lậu thuốc lá. Do đó, thời gian tới, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải quán triệt và trực tiếp chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 30. Cấp ủy, chính quyền các cấp phải chủ động, tích cực hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.

Địa phương nào xảy ra tình trạng buôn lậu phức tạp, kéo dài, nhức nhối thì người đứng đầu chính quyền địa phương và người đứng đầu các lực lượng chức năng trên địa bàn phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

Liên quan đến việc xử lý số thuốc lá lậu thu được, Phó Thủ tướng đặt vấn đề: Tái xuất thì hiệu quả rõ về kinh tế, nhưng về pháp lý có bảo đảm không, có phù hợp với Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, trong khi thời gian qua dư luận cho rằng việc tiêu hủy là phản cảm, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí và tốn ngân sách? Vì vậy, các bộ, ngành và địa phương cần nghiên cứu, xem xét kỹ tính khả thi của từng phương án.

Về phương án lâu dài, theo Phó Thủ tướng, các tỉnh cần có kế hoạch phát triển kinh tế khu vực biên giới, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các địa phương, địa bàn trọng điểm khu vực biên giới.

Hiệp hội Thuốc lá, các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và các tổ chức xã hội-nghề nghiệp có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương các cấp hỗ trợ cụ thể, thiết thực để người dân ổn định và cải thiện đời sống, không tham gia vào buôn lậu.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn ODA

Chiều 18/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, chủ trì hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tập trung tối đa giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch đã đặt ra cho năm 2016. Trong giai đoạn 2017-2020, Việt Nam đã vận động được trên 22 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA trong 9 tháng năm 2016 còn thấp, chỉ đạt 2.685/5.100 triệu USD, bằng 52,6% kế hoạch giải ngân năm 2016 dự kiến theo các hiệp định ký kết.

Phó Thủ tướng lưu ý kinh nghiệm của một số nước như Ấn Độ trong việc chuẩn bị tính sẵn sàng của dự án, nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng, để khi hiệp định được ký kết, có thể bắt tay vào thực hiện ngay.

Các Bộ, ngành, địa phương chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án, nhất là cải thiện chất lượng thiết kế dự án để rút ngắn tối đa thời gian thực hiện và giảm thiểu các chi phí do phải điều chỉnh, bổ sung thiết kế; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan và nhà tài trợ tổ chức thường xuyên các cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện, xác định và kịp thời xử lý các vướng mắc nảy sinh.

Tăng cường công tác xây dựng, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch trung hạn và hàng năm vốn ODA, vốn vay ưu đãi, và vốn đối ứng; kịp thời có giải pháp xử lý trong trường hợp số vốn giải ngân vượt kế hoạch giao; duy trì tốt chế độ báo cáo theo quy định, thường xuyên cập nhật trực tuyến Hệ thống thông tin giám sát và đánh giá đầu tư của Bộ KHĐT về tình hình thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính và các nhà tài trợ xây dựng và đưa vào vận hành trong năm 2016 cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan của Việt Nam và các nhà tài trợ trong xây dựng kế hoạch, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch; trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh bố sung kế hoạch sát với thực tiễn thực hiện các dự án.

Bộ KH&ĐT phối hợp với các bên liên quan và các nhà tài trợ, đặc biệt là nhóm 6 ngân hàng phát triển xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tăng cường năng lực các ban quản lý dự án theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.

Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ KH&ĐT nghiên cứu trình Chính phủ phương án tái cấu trúc nợ công để vừa bảo đảm an toàn nợ công đồng thời đáp ứng tốt chủ trương huy động tối đa nguồn vốn vốn ODA và vốn ưu đãi.

Năm 2016, hoàn thiện dự thảo Nghị định cho chính quyền địa phương vay lại vốn ODA và vốn ưu đãi theo nguyên tắc việc sử dụng vốn vốn ODA và vốn ưu đãi phù hợp với định hướng và lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.

Bộ TN&MT sớm ban hành trong năm 2016 hướng dẫn về quy trình giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn ưu đãi.

Bộ Xây dựng sớm hoàn tất sửa đổi Nghị định 59 năm 2015 về quản lý đầu tư xây dựng theo hướng đơn giải hóa quy trình, thủ tục, tăng cường phân cấp trong công tác phê duyệt dự toán và thiết kế chi tiết các dự án đầu tư xây dựng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo phòng chống bão tại Quảng Ninh

Chiều tối 18/10, sau khi đi kiểm tra tuyến đê Hà Nam và khu neo đậu tàu thuyền tại thị xã Quảng Yên-Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh về công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 7.

Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến tất cả các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Quảng Ninh thực hiện nghiêm túc, tích cực, chủ động các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất ngờ khi bão đổ bộ. Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao sự tham gia của các lực lượng vũ trang trong việc hỗ trợ nhân dân.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý tỉnh Quảng Ninh không được chủ quan, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa bão để triển khai biện pháp ứng phó hiệu quả.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu Quảng Ninh và các địa phương ven biển cần nhanh chóng kiểm đếm, rà soát lại để bảo đảm tuyệt đối không có phương tiện nào hoạt động trên biển, tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản, trên các công trình cao tầng hoặc trong các lều bạt, nhà tạm. Đối với tàu thuyền đã đưa vào khu neo đậu, cần liên tục kiểm tra để bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Quảng Ninh cũng phải có các giải pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch, các công trình hạ tầng, điểm đến du lịch.

Trong đêm nay và sáng mai, các huyện, thị nhanh chóng triển khai các giải pháp gia cố, bảo vệ đê điều, hồ, đập, các công trình xung yếu, không để xảy ra tai nạn, sập, đổ đáng tiếc do mưa bão. Các công trình thủy lợi chủ động tiêu nước đệm, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Quảng Ninh có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là khai thác mỏ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Quảng Ninh, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam khẩn trương rà soát, có các giải pháp chủ động gia cố, bảo vệ máy móc, cơ sở sản xuất công nghiệp, hầm mỏ.

Đặc biệt, ngành than cần rà soát thật kỹ lưỡng các khu vực dự trữ, khu vực khai thác than cũng như khu bãi chứa xỉ là những khu vực rất dễ xảy ra sự cố trong mưa bão. Ngoài ra, tuyệt đối không để công nhân, người lao động trên công trường khi bão đổ bộ để tránh tai nạn đáng tiếc.

Khi bão đổ bộ, Phó Thủ tướng đề nghị Quảng Ninh phát huy thật tốt 4 tại chỗ để chủ động ứng phó, giảm thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Các bộ, ngành Trung ương phối hợp chặt chẽ để nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa bão.

Nguồn Văn phòng Chính phủ