VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Quản thức ăn đường phố ra sao?

(NTO) Có thể nói, từ lâu thức ăn đường phố đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của nhiều người dân, nhất là ở trung tâm thị trấn, thị tứ các huyện và chủ yếu vẫn là trên địa bàn Tp. Phan Rang –Tháp Chàm. Với các ưu điểm “vượt trội” như tiện ích cho người có nhu cầu, giá cả phù hợp tùy theo chất lượng, hơn thế nữa là đa dạng các loại thực phẩm đáp ứng theo yêu cầu của từng đối tượng tiêu dùng, từ món ăn rẻ tiền như xôi bắp, bánh mỳ…đến món kha khá…tiền như mỳ quảng các kiểu, món chay hay mặn đều có cả...Điều đáng nói, hầu như người tiêu dùng nào cũng biết đến những nguy cơ tiềm ẩn không an toàn khi sử dụng thức ăn đường phố, nhưng do những “tiện ích” như đã nêu nên vẫn xem đây là lựa chọn “hàng đầu”, nhất là đối với giới “bình dân” có thu nhập trung bình hoặc thấp.

 
Khu vực kinh doanh thức ăn đường phố trước Chùa Ông (phường Kinh Dinh). Ảnh: Sơn Ngọc

Hãy thử ngồi “thưởng thức” món ăn hay thức uống ở vỉa hè sẽ cảm nhận ngay là bụi đường vương vất “đáp” vào cả trong thức ăn, nước uống, nhất là vào giờ cao điểm có nhiều phương tiện lưu thông trên đường. Không chỉ có vậy, hiểm họa lớn hơn là biết bao vi khuẩn gây bệnh cùng mùi hôi từ cống rãnh, rác thải, nước vũng đọng… ngay bên vỉa hè. Đó là chưa nói đến các loại nước uống mà đa phần khó có ai dám khẳng định là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…cũng đang là mối lo ngại lớn của người tiêu dùng. Theo báo cáo mới đây của ngành Y tế, trong 9 tháng năm nay, ngành đã tổ chức 221 lượt thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm tại 6.070 cơ sở thì có đến 1.113 cơ sở không đạt yêu cầu, chiếm 18,3%. Riêng đợt Trung thu vừa qua đã kiểm tra 919/2.965 cơ sở thức ăn đường phố do ngành Y tế quản lý thì vẫn còn đến 156 cơ sở vi phạm, chiếm 17%, chủ yếu các lỗi: vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm… Còn đối với các nhà quản lý thì sao?. Câu trả lời là gần như “bó tay” trước sự phát triển đa dạng, đủ kiểu, linh hoạt của vô số hàng quán thức ăn vỉa hè. Thậm chí có người còn cho rằng có “cầu” ắt có “cung” theo quy luật của thị trường. Và không ít khách hàng quen thuộc của “loại hình” thực phẩm đường phố với tâm lý “người ta ăn được thì mình ăn được, có chết ngay đâu mà sợ!”. Vì vậy, vấn đề này đang làm cho cơ quan chức năng phải “đau đầu” bởi không thể kiểm soát được chất lượng thức ăn được bày bán hàng ngày dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc...

Theo các chuyên gia, hầu hết thức ăn đường phố đều dễ bị nhiễm vi sinh, vi khuẩn do được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu, phụ gia phẩm màu… không được kiểm soát; không có quy trình, quy chuẩn chế biến, dụng cụ phương tiện sản xuất không đảm bảo; bày bán trong điều kiện môi trường ô nhiễm bởi khói, bụi…Để từng bước khắc phục tình trạng nêu trên, Sở Y tế vừa có kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng điểm về an toàn thực phẩm (ATTP) thức ăn đường phố và dịch vụ ăn uống nhằm nâng cao chất lượng ATTP và từng bước kiểm soát điều kiện ATTP đối với các loại hình kinh doanh đã nêu trên, góp phần giảm thiểu tình trạng ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội và mỹ quan đô thị. Theo đó, riêng thức ăn đường phố sẽ chọn triển khai thực hiện tại khu vực Chùa Ông (phường Kinh Dinh). Đây được xem là động thái tích cực của ngành Y tế với mong muốn “lập lại trật tự” kinh doanh thức ăn đường phố mà theo lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, tình trạng ATTP của thức ăn đường phố đã đến mức báo động. Do vậy, phải quyết tâm tiến tới một bộ mặt khang trang mà vẫn đảm bảo cho người dân có quyền kinh doanh. Không thể một sớm một chiều giải quyết vấn đề này nhưng hy vọng đây là cơ sở để tiến dần tới cái đích là thức ăn đường phố phải đảm bảo vệ sinh an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.

Đối với người tiêu dùng đã đến lúc cần thực hiện theo phương châm “ăn có trách nhiệm, uống có ý thức” để đảm bảo sức khỏe như khuyến cáo của chuyên gia về ATVSTP.