Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

(NTO) Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (ĐCQG) là chủ trương lớn mang tính chiến lược của ngành Giáo dục và Đào tạo, nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Xác định mục tiêu đó, tỉnh ta đã và đang tập trung mọi nguồn lực cho nhiệm vụ này.

Còn nhiều khó khăn

Thuận Nam là địa phương có tỷ lệ trường ĐCQG còn thấp so với mặt chung của cả tỉnh. Đến nay, toàn huyện có 5/30 trường ĐCQG, đạt 16,67%, trong đó cấp TH có 3/16 trường (tỷ lệ 18,75%), cấp THCS có 2/7 trường (tỷ lệ 28,57%), cấp học Mầm non chưa có trường nào. Tuy đã cơ bản đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ I đề ra, nhưng thực tế cho thấy, một số chỉ tiêu của các trường được công nhận nhưng mới đạt ở mức tối thiểu, kết quả chưa bền vững. Cả huyện chưa có trường TH nào ĐCQG mức độ 2, tỷ lệ trường TH đạt chuẩn quá thấp so với tổng số trường cùng cấp học. Khó khăn lớn nhất là quỹ đất dành cho nhà trường như: Sân chơi, bãi tập, nhà thi đấu đa chức năng, phòng truyền thống... tỷ lệ bình quân diện tích đất trên đầu HS không đạt chuẩn; cơ sở vật chất và thiết bị còn thiếu (phòng chức năng, thư viện, phương tiện, thiết bị giáo dục); phần lớn trường TH ĐCQG chưa đạt 1,5 phòng/lớp; thiếu phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ ngày; thiếu trang thiết bị cho thư viện, phòng thiết bị dạy học...

 
Giờ lên lớp của giáo viên và học sinh Trường TH Long Bình.

Tương tự, tại huyện Thuận Bắc, công tác xây dựng trường ĐCQG cũng gặp nhiều khó khăn. Đến nay, toàn huyện có 6/17 trường phổ thông được công nhận ĐCQG, đạt 35,3%; cấp Mầm non 1/6 trường, đạt 16,7%. Ông Nguyễn Thế Quang, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cho biết: Khó khăn lớn nhất là chất lượng giáo dục tại các xã miền núi, vùng đặc biệt khó khăn còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ HS bỏ học một số trường còn cao, đặc biệt ở cấp THCS. Tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS còn rất bấp bênh, chỉ đạt ở mức tối thiểu; việc đầu tư cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp nhu cầu học tập, so với tiêu chí trường ĐCQG, huyện chưa có trường nào đáp ứng yêu cầu.

Nỗ lực xây dựng trường ĐCQG

Đến nay, toàn tỉnh có 83/324 trường ĐCQG, trong đó khối giáo dục phổ thông có 74/235 trường, đạt 31,5%, vượt 1,5% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra (cấp TH có 52/152 trường, đạt 34,2%; cấp THCS 19/64 trường, đạt 29,7%; cấp THPT có 3/19 trường, đạt 15,8%; Khối giáo dục Mầm non có 9/89 trường đạt DCQG, đạt 10,1%). Đồng chí Lê Bá Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Qua kiểm tra cho thấy hiệu quả đào tạo ở các trường ĐCQG đã được nâng lên, môi trường giáo dục và đạo đức HS được cải thiện rõ rệt; nổi bật trong các phong trào thi đua dạy tốt-học tốt, có nhiều HS giỏi, các điều kiện về cơ sở vật chất của các trường đạt chuẩn đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, so với với mặt bằng chung cả nước thì tỷ lệ trường ĐCQG của tỉnh ta còn thấp, một số tiêu chí của các trường tuy đã được công nhận nhưng mới đạt ở mức tối thiểu, có một số tiêu chí chỉ đạt ở gần mức tối thiểu như: Định mức diện tích đất/HS, phòng học, phòng bộ môn, nhà đa năng, thiết bị dạy học, cơ sở vật chất khác, việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày, những trường đã được công nhận thì chưa bền vững…

Theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra, đến năm 2020, tỉnh ta phấn đấu có 50% trường ĐCQG ở cấp học phổ thông; 20% trường ĐCQG ở cấp Mầm non. Để thực hiện mục tiêu trên, cần sự cố gắng, nỗ lực và vào cuộc của các cấp, ngành để xây dựng trường ĐCQG theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Tiếp tục thực hiện 5 tiêu chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc công nhận trường ĐCQG ở các cấp học. Đồng chí Lê Bá Phương cho rằng, để đạt được mục tiêu trên, các địa phương phải khắc phục được những hạn chế, tồn tại trong giai đoạn triển khai xây dựng trường ĐCQG vừa qua. Ngoài nỗ lực chung của ngành Giáo dục và Đào tạo, cần sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương để huy động các nguồn lực, kêu gọi xã hội hóa giáo dục hiệu quả, lồng ghép nhiều nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học đạt yêu cầu theo chuẩn quốc gia; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo các trường đã được công nhận phát triển bền vững và tốt hơn giai đoạn trước; phát triển trường ĐCQG trên cơ sở kết hợp với chủ trương kiên cố hóa trường, lớp, lồng ghép với việc xây dựng mới, cải tạo, tận dụng tốt cơ sở vật chất hiện có.