Chuyện “coi trọng lời chê”

(NTO) Này, chú có biết “đỉa phải vôi” như thế nào không?. Vốn từ nhỏ sống ở thành thị, mà đỉa thì chỉ có ở ruộng đồng nên nghe anh hỏi tôi chẳng biết trả lời sao. Thấy tôi có vẻ ngơ ngác, anh tiếp: Thế ai phê bình nhưng không đúng chú phản ứng ra sao? -Thì bác bỏ ngay chứ sao. Đấy, “đỉa phải vôi” như vậy đấy! Chú trẻ, có học thức, muốn tiến bộ phải biết lắng nghe, coi trọng mọi lời chê.

Rồi như để chứng minh, anh bộc bạch: Mình học hành trường lớp chính quy hẳn hoi, được rèn luyện thử thách, luôn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Quá trình công tác mấy chục năm, ở cơ quan, đơn vị nào mình cũng được cấp trên khen ngợi về năng lực công tác, trách nhiệm với tập thể, sự nghiệp chung. Thế nhưng nhìn lại bản thân là đứa chậm tiến nhất so với lứa bạn cùng thời. Thuở học trò, mình luôn nằm trong top 5 của lớp (lớp gần 60 trò), còn chúng nó top giữa, đến nay bản thân lại nằm cuối top giữa. Bữa ghé thăm thằng bạn giờ là lãnh đạo tỉnh, đối diện bàn làm việc của hắn là bức tranh chữ “nhẫn”. Thấy mình nhìn chăm chú, hắn giải thích: Trong cuộc sống, công việc thì chữ nhẫn là phương châm hành động, nhờ nó mà bản thân biết kiềm chế, lắng nghe ý kiến mọi người, dù đó là ý kiến trái chiều hoặc lời phê bình gay gắt. Nghe bạn, ngẫm mình tính nóng, lại thẳng như ruột ngựa, cứ nghĩ bản thân giỏi giang, ai phê bình hay chê bai là muốn nhảy dựng lên, nay mới ngấm cái giá của việc ghét chê.

Chuyện của anh nhắc tôi nhớ đến cơ quan có cô gái trẻ tốt nghiệp đại học bằng đỏ, lại là con lãnh đạo ngành tỉnh. Thời gian đầu, cô năng động, xốc vác, được sự giúp đỡ của mọi người, luôn được tập thể, cấp trên đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chỉ sau hai năm công tác, cô được đề bạt phó phòng, một năm sau trưởng phòng. Nếu cứ tiếp tục phấn đấu tốt chẳng mấy năm nữa cô sẽ có cơ hội đứng ngang hàng với cha mình. Nhưng cái gì đến nhanh thì cũng tàn nhanh. Vốn tự tin mình tài giỏi, có ngoại hình ưa nhìn, được cấp trên quan tâm dìu dắt, cô ngày càng thể hiện quyền uy của mình. Có lần, anh lớn tuổi bậc cha chú (người dìu dắt cô ngày mới vào cơ quan) góp ý về phong cách điều hành công việc, cô không chỉ thẳng thừng bác bỏ, mà còn phê bình anh gay gắt là không tôn trọng cấp trên. Mọi người nhìn anh ái ngại vì cái chung mà “lãnh đạn”, rồi họ tự nhủ với nhau chớ dại góp ý lãnh đạo. Hết thời hạn bổ nhiệm, cô tham gia thi tuyển chức danh do chính mình đang đảm nhiệm nhưng không đạt. Có lẽ bởi cô chủ quan, thích áp đặt ý chí bản thân cho mọi người, nhưng nguyên nhân lớn nhất chính là không biết lắng nghe góp ý của người khác để tự hoàn thiện mình.

Trao đổi trên Tuần Việt Nam net, bà Phạm Chi Lan, nguyên chuyên gia tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, các hoạt động hay ứng xử từ các vị lãnh đạo đến công chức nhà nước đều không qua được mắt dân. Tốt, xấu, đúng, sai, thật, giả thế nào, người ta biết hết. Vì thế, mọi sự che giấu thông tin hoặc giải thích không trúng, không rõ, “nói lấy được” về bất cứ điều gì, kể cả với “động cơ tốt” là để ‘an lòng dân”, cũng không thể có tác dụng gì tích cực, ngược lại còn có thể làm dân thêm mất lòng tin. Các nhà lãnh đạo giỏi nhất ở các doanh nghiệp đều biết coi trọng những lời “mắng mỏ”, chứ không phải lời khen của người tiêu dùng để liên tục cải tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Tương tự, những lời phê bình, chê trách của dân cũng cần đến tai Thủ tướng và Chính phủ, và được thực lòng tiếp nhận như những ý kiến hữu ích, giúp Chính phủ không ngừng cải thiện bộ máy của mình để phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn.

Có thể nói, nhận lời khen bao giờ cũng dễ hơn lời chê. Đó là tư duy làm hạn chế tầm nhìn của mỗi con người trong thời đại mở, hòa nhập toàn cầu hiện nay. Việc coi trọng lời chê không chỉ giúp mình hòa nhập với mọi người, với thế giới xung quanh, mà còn giúp ta nhận biết mình đang đứng ở đâu để phấn đấu vươn lên. Vậy thì hãy thay đổi tư duy, nhận lời chê dễ hơn lời khen để mỗi chúng ta luôn biết coi trọng lời chê và bản thân chí ít cũng không tụt hậu do lỗi chính mình.