Vài suy nghĩ về tổ chức hoạt động hè cho học sinh, sinh viên hiện nay

(NTO) Học sinh, sinh viên (HSSV) có kỳ nghỉ dài nhất là vào mỗi dịp hè về. Đây là một lực lượng trẻ, năng động cần được địa phương tổ chức các hoạt động hè để thực hiện tốt chức năng giáo dục ngoài nhà trường cũng như tiếp tục phát huy những đóng góp của thế hệ trẻ cho việc phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Muốn làm được việc này thì đòi hỏi phải có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị tại địa phương và trực tiếp là tổ chức Đoàn Thanh niên. Trên thực tế, mỗi năm chúng ta đều có thành lập Ban Chỉ đạo hè từ cấp tỉnh đến cơ sở, nhưng hiệu quả hoạt động lại tùy thuộc vào mỗi địa phương.

Bản thân tôi được sinh ra và lớn lên trong thời bao cấp ở miền Bắc, nhưng có những hoạt động mà mãi đến bây giờ, tôi vẫn suy ngẫm và thực sự muốn duy trì trong xã hội ngày nay, nhất là việc tổ chức các hoạt động hè cho HSSV. Phải nói rằng ngày trước, sự quản lý HSSV về sinh hoạt tại địa phương rất chặt chẽ, sự phối hợp giữa nhà trường và địa phương cũng rất nhịp nhàng. Ngày đó, mỗi dịp nghỉ hè đều có giấy giới thiệu về sinh hoạt tại địa phương, hết thời gian nghỉ hè địa phương có đánh giá, nhận xét về việc tu dưỡng, rèn luyện, tham gia các sinh hoạt tại địa phương của HSSV để trở lại trường tiếp tục học tập. Chính vì vậy, tất cả chúng tôi đều tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, thậm chí tổ chức Đoàn Thanh niên ở địa phương cũng phải lên kế hoạch chi tiết để tổ chức các hoạt động cho HSSV về nghỉ hè. Các tổ chức Đoàn Thanh niên ở cấp thôn, xã đều phải tổ chức hoạt động hè ít nhất mỗi tuần 1 lần sinh hoạt. Chính những hình thức sinh hoạt này đã gắn kết HSSV ở địa phương về sinh hoạt hè với nhau, biết tổ chức nhóm giúp đỡ nhau trong học tập, sinh hoạt. Trong những dịp này, đội viên được tham gia làm kế hoạch nhỏ, đoàn viên, thanh niên được tham gia những hoạt động công ích. Tôi rất nhớ những đợt tổ chức cho đội viên làm kế hoạch nhỏ, hay tham gia các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, lao động công ích ở địa phương.Một kỷ niệm khó quên nhất đó là mùa hè năm 1977, Chi đội chúng tôi phát động mỗi đội viên nhặt góp 1kg sỏi trắng để xây dựng đường vào Lăng Bác Hồ. Được làm một việc làm ý nghĩa, chúng tôi hăng hái rủ nhau ra bờ sông vừa chăn trâu, vừa tranh thủ nhặt những viên sỏi trắng muốt làm kế hoạch nhỏ. Hết thời gian phát động, chúng tôi ai cũng nộp vượt chỉ tiêu, bạn nào ít nhất cũng đạt 1,5kg. Cuối mỗi đợt hè lại tổ chức bình chọn ra những đội viên, đoàn viên có nhiều thành tích tham gia các hoạt động hè tại địa phương và những gương tiêu biểu được tổ chức Đoàn địa phương cho đi viếng Lăng Bác Hồ.

Hiện nay, khi học sinh rời ghế nhà trường về nghỉ hè tại địa phương hầu như không có sự quản lý, mà chủ yếu giao sự quản lý ấy cho các gia đình. Các hoạt động hè có diễn ra thì cũng chỉ dành cho một số đối tượng thanh niên, sinh viên tham gia tình nguyện hè hoặc học sinh tham gia các lớp năng khiếu hè do các Trung tâm thanh, thiếu niên hoặc Nhà Thiếu nhi tổ chức. Còn lại hầu hết các em không biết tham gia hoạt động ở đâu, nhất là HSSV ở các vùng nông thôn, miền núi. Phải chăng do tổ chức Đoàn ở địa phương chưa đủ mạnh để tổ chức các hoạt động hè tại địa phương. Có nhiều ý kiến lại cho rằng học sinh bây giờ học thêm quá nhiều nên không còn thời gian để tham gia các hoạt động tập thể của địa phương, sự bùng nổ của công nghệ thông tin cũng là một trong những nguyên nhân khiến HSSV không mặn mà với các hoạt động hè… và còn nhiều nguyên nhân khác nữa. Tất cả những nguyên nhân nêu trên đều có phần đúng nhưng không phải là nguyên nhân chính của vấn đề, mà vấn đề nằm ở chỗ sự phối hợp giữa nhà trường và các đoàn thể ở địa phương chưa chặt chẽ, cũng có thể nói mạnh ai người ấy làm.

Ngày nay HSSV nghỉ hè hiếm khi có giấy giới thiệu về sinh hoạt tại địa phương, mà có thì cũng không thấy được mời tham gia bất cứ hoạt động nào hoặc có tham gia cũng vậy mà không tham gia các hoạt động của địa phương cũng không sao. Sự quản lý giữa nhà trường và xã hội trong các dịp hè của HSSV hầu như rất mờ nhạt. Đối với các gia đình có con em nghỉ hè cũng có người quan niệm phải bắt con học văn hóa để vào năm học mới không bị quên kiến thức cũ, đồng thời theo kịp kiến thức của lớp mới, nhưng cũng có nhiều phụ huynh gửi con đến các cơ sở học thêm, dạy thêm là để cho con em mình bớt tham gia vào những hoạt động vô bổ như suốt ngày lang thang trên mạng hoặc các trò chơi game online. Thiết nghĩ nếu các địa phương tổ chức tốt các hoạt động hè cho HSSV thì sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho xã hội.

Hy vọng trong những năm tới sẽ được các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể chính trị, nhất là tổ chức Đoàn Thanh niên vào cuộc mạnh hơn để cho HSSV có những kỳ nghỉ tại địa phương thật bổ ích và lý thú, đóng góp được phần nào công sức bé nhỏ của mình vào việc phát triển kinh tế-xãhội của địa phương.