Vấn đề hôm nay:

Biết rồi nhưng... chậm chuyển biến!

(NTO) Có thể nói, một trong những nội dung quan trọng để thực hiện Kế hoạch hành động về “Đổi mới nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” của tỉnh năm 2016 và giai đoạn 2016-2020 đã được UBND tỉnh ban hành từ đầu năm, đó là giữ gìn trật tự mỹ quan đô thị. Đến nay, qua hơn 6 tháng thực hiện vẫn chưa có nhiều chuyển biến đáng kể ở các địa phương. Chỉ tính ở Tp.Phan Rang-Tháp Chàm-Trung tâm tỉnh- theo ghi nhận mặc dù đã có nhiều nỗ lực thực hiện, một số phường nội thị có thay đổi về bộ mặt, môi trường được chú trọng, rác thải dân cư được thu gom đúng quy định... Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều điều phải bàn. Đầu tiên cần đề cập đến là tình trạng rác thải ở nhiều khu dân cư. Tuy hàng ngày đều có xe tập kết rác đến điểm thu gom của đơn vị vệ sinh theo hình thức không tiếp đất nhưng do ý thức của một số hộ dân, người đi đường… cứ nghĩ “cha chung không ai khóc” nên có rác là vứt bừa xuống đường thay vì mang đến bỏ vào thùng rác công cộng.

Hành vi này tuy rất phản cảm nhưng dường như không ai nhắc nhở!. Đó là chưa nói đến tình trạng dọc theo các mương thủy lợi có dân cư sinh sống thì luôn phải “hứng chịu” lượng rác không nhỏ và đủ loại do cư dân đổ xuống, chất thải rắn thì chìm xuống “trầm tích” làm hạn chế dòng chảy, lớp thì trôi theo dòng nước để... tập kết tại các cửa cống điều tiết nước... Thêm vào đó là hầu hết nước thải sinh họa, chăn nuôi của các hộ dân đã nêu đều xả xuống mương gây ô nhiễm nhất là vùng cuối kênh. Một bộ phận dân cư sống dọc theo các tỉnh lộ, quốc lộ tạt nước thải ra đường cũng góp phần làm cho môi trường thêm bẩn, mất mỹ quan cho đô thị đang phát triển. Vấn đề cũng đáng nói nữa là mặc dù có nhiều biện pháp “chống” tình trạng cột đèn, cột điện... bị dán quảng cáo nhưng xem ra không hiệu quả. Quảng cáo ngày càng dày lên trên các cột, nhất là trụ đèn tín hiệu giao thông tại các ngã ba, ngã tư. Mặc dù có “địa chỉ” của “chủ nhân” các tờ quảng cáo này không nhưng cũng không xử lý được...

Nguyên nhân của tình trạng trên do đâu?. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài ý thức chưa tốt còn có nguyên nhân chủ yếu là thiếu biện pháp xử lý của chính quyền từ cơ sở. Rõ ràng, các Ban quản lý khu phố có thể kể vanh vách những hộ vi phạm, làm mất vệ sinh chung, gây xấu môi trường mỹ quan đô thị, nhưng... đều làm ngơ, không những không nhắc nhở mà cũng không xử lý, mặc dù đã có quy định...

Vấn đề đặt ra là để “Đổi mới nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” cần giải quyết rốt ráo những sự việc như đã nêu trên cơ sở xác định trách nhiệm cụ thể hơn nữa của từng cấp, ngành liên quan, xây dựng bộ quy tắc ứng xử tại từng khu dân cư đối với cảnh quan môi trường đô thị, tổ chức ký cam kết với các hộ dân về bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống mới văn hóa, văn minh đô thị; đặc biệt cần gắn trách nhiệm với người đứng đầu khu phố, thôn (bởi hơn ai hết họ là nắm rất rõ tình hình); cao hơn là phường, xã nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức thích hợp đến người dân trong quan hệ, ứng xử cả trong đời sống và với môi trường; gắn biểu dương, khen thưởng với xử phạt nếu có hành vi vi phạm…

Đừng để câu chuyện “biết rồi nhưng... chậm chuyển biến” do tắc trách của những cá nhân, đơn vị có trách nhiệm và thiếu ý thức của một bộ phận người dân diễn ra như chuyện “thường ngày”!.