Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp Ban Phát triển các sản phẩm đặc thù tỉnh

(NTO) Ngày 22-6, UBND tỉnh tổ chức họp để nghe báo cáo tình hình, những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng, phát triển các sản phẩm đặc thù của tỉnh; đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Tính đến nay, tỉnh ta có 10 sản phẩm nông nghiệp đã được đăng ký bảo hộ xác lập quyền sở hữu; trong đó, 2 Chỉ dẫn địa lý, 8 nhãn hiệu tập thể. Đây là cơ sở pháp lý, khoa học mà tỉnh có nhiều cố gắng hoàn thành nhằm giúp các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc thù có điều kiện quảng bá thương hiệu, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Tuy vậy, công tác phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc thù còn nhiều hạn chế. Cụ thể, sự phối hợp của các ngành, địa phương trong công tác quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể chưa đồng bộ; các tổ chức chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể hoạt động sản xuất kinh doanh yếu; nông dân chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng trong việc sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể…

Đồng chí Trần quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh củ trì cuộc họp.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao nỗ lực của các ngành chức năng, các địa phương quan tâm công tác bảo hộ, xác lập quyền sở hữu các sản phẩm đặc thù, qua đó đã nâng cao được sức cạnh tranh trên thị trường. Để quy trì, phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc thù sau khi được bảo hộ, thời gian tới đề nghị các ngành chức năng tích cực vào cuộc tham gia thực hiện nhiệm vụ; nhất là hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của những hợp tác xã là chủ sở hữu các nhãn hiệu tập thể; tăng cường công tác quảng bá, thương mại hóa sản phẩm; tìm kiếm doanh nghiệp đầu đàn làm hạt nhân trong tiêu thụ sản phẩm…