Có phải là việc nhỏ, chuyện nhỏ?

(NTO) Nhân Ngày Môi trường thế giới 5-6, cơ quan phát động phong trào “Năm môi trường xanh, sạch, đẹp”. Theo quy định, cuối ngày làm việc thứ sáu của tuần, toàn thể cán bộ, công nhân viên tham gia dọn vệ sinh phòng làm việc, khuôn viên cơ quan ít nhất 15 phút.

Trong buổi họp triển khai, anh trưởng phòng hành chính thừa lệnh sếp truyền đạt: Chuyện vệ sinh quét dọn hằng ngày, cuối tuần giao cho các chị, các cô; trồng cây xanh-tưới nước việc nặng, cánh đàn ông đảm nhiệm. Khổ nỗi, việc trồng cây xanh “năm thì mười họa” có cây đổ do mưa bão, cây hư bởi sâu bệnh mới trồng thay thế, việc tưới cây hằng ngày đã có bảo vệ. Chị em cơ quan vốn là những phụ nữ hiền thục, siêng năng nên chẳng ai có ý kiến với mấy anh. Thế nhưng, có lần sếp kiểm tra thấy chị em người quét, người gom rác… cần mẫn như những con ong, ông hỏi: Cơ quan mình sao chỉ thấy toàn nữ…? Anh trưởng phòng đứng gần nhanh nhảu: Dạ, thưa anh việc nhỏ để nữ làm ạ. Sếp nhẹ nhàng hỏi: Thế thì việc nào là lớn? Từ ngày mai, việc nhỏ giao lại cho các cậu, làm thử một quý rồi báo tôi biết. Mấy cô gái trẻ đứng gần cười vang: Thế là chúng em đổi chỗ cho mấy anh nhé! Cái việc gom rác, quét dọn cứ tưởng đơn giản, ai dè khi làm mới biết chẳng dễ chút nào. Vốn quen làm “việc lớn”, lần đầu cầm cây chổi chà vung lên quét như múa quyền, thế là bụi, lá cây… theo gió bay lên như cơn lốc nhỏ tới cả lầu một. Không chỉ vậy, nó còn chồm lên chính đám mày râu để rồi ai nấy vội vã lấy tay bịt mũi, miệng, nhắm mắt lại. Chứng kiến cảnh tượng, mấy chị em cơ quan ai nấy bụm miệng cười. Nhờ vậy, cánh đàn ông có thêm bài học ban đầu về việc nhỏ nhưng không hề dễ.

Đem chuyện cơ quan kể với mấy cô bạn quen, chủ đề “việc nhỏ” được mỗi người góp thêm chút ít từ trải nghiệm cuộc sống của chính mình. Cô bạn vốn có nhiều chiêu cao kể: Đức lang quân nhà mình cứ có chút ma men vào thì mọi thứ đều là chuyện nhỏ. Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 vừa rồi, hứa đưa con đi chơi, mua sắm nhưng rồi ham bạn bè quên hết. Lũ nhỏ ngồi chờ đến gần 10 giờ đêm mới thấy về, liền trách móc đòi ba thưởng thành tích học giỏi, đang sẵn hơi men, ảnh tuyên bố: Chuyện nhỏ, thưởng đứa lớn xe đạp điện, đứa nhỏ xe đạp thời trang. Sớm mai tỉnh dậy nhớ ra bèn năn nỉ vợ: Em ơi, cứu anh vụ thưởng! Mình cười: Chuyện nhỏ tự xử! Vụ này chắc ổng nghỉ nhậu một năm. Được cái ảnh thương vợ con, chứ đàn ông gặp mấy em xinh đẹp mắt “chớp chớp” rồi chuyện nhỏ thì có ngày…!? Cô bạn ngồi bên thở dài, tiếp chuyện: Vợ chồng có gì nói nhỏ nhau cùng giải quyết, chứ cứ như đứa em gái tớ dạy con không đến nơi chốn, giờ dở cười, dở mếu. Chẳng là, vợ chồng sinh hạ được quý tử, hai bên nội ngoại mừng như bắt được vàng khối bởi chồng nó là con trai duy nhất. Hoàng tử nhỏ được cha mẹ, ông bà nâng như nâng trứng, cháu chẳng phải làm bất cứ việc gì dù chỉ là nhặt vụn giấy do mình làm rơi xuống sàn nhà. Lớn lên vào học lớp một, cháu có hẳn một phòng với đầy đủ thiết bị, cha mẹ muốn vô phải gõ cửa. Có thế giới riêng như trẻ con bên Mỹ nên việc học hành hay cháu làm gì trong phòng cha mẹ đâu hay biết. Thế rồi ban đầu chỉ là thích chơi game trẻ em, dần dà cháu nghiện luôn. Học hành từ giỏi xuống tiên tiến, năm học vừa rồi chưa hết học kỳ I lớp chín, nó đánh lộn với bạn cùng lớp rồi bỏ học luôn. Cha mẹ, ông bà, thầy cô, bạn bè đã hết lời dỗ dành, động viên nhưng cháu không chịu đi học. Mọi người đành để cháu nghỉ, hy vọng năm tới cu cậu sẽ trở lại trường học. Đến giờ vợ chồng nó mới ngấm việc không dạy dỗ con từ những việc nhỏ nhất ngay lúc bé thơ để giờ biết thì đã muộn.

Câu chuyện trên chỉ là nét chấm phá hiện diện trong cuộc sống thường ngày trong mỗi con người, mỗi nhà, tập thể và xã hội. Nếu ta chủ quan xem thường việc nhỏ, chuyện nhỏ sẽ là nguyên nhân dẫn đến những hậu quả lớn khó lường như Báo Tuổi trẻ online (ngày 9-6-2016) dẫn lời Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng nói về việc nạo vét luồng Soài Rạp: “Chuyện bé bằng cái móng tay mà chưa xong thì làm sao đột phá được. Như thế thì chỉ có đột tử thôi chứ không thể đột phá được". Vậy thì mỗi chúng ta hãy cùng nhau bắt đầu từ những việc nhỏ, chuyện nhỏ nhất để không bao giờ phải tự hỏi mình: Có phải là việc nhỏ, chuyện nhỏ!