CHUYỆN NHƯ ĐÙA:

Hè và trẻ thơ

(NTO) Hồi nhỏ lúc học cấp 1, cấp 2, khi nhìn cành phượng già trĩu nặng những chùm hoa mọng đỏ để “hát với chú ve con” là lứa trẻ con chúng tôi sung sướng đến tột cùng, mong sao cho nhanh đến ngày bế giảng năm học. Và kỳ nghỉ hè bắt đầu với những ước mơ, “toan tính” phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của gia đình mỗi đứa.

Vào những giờ chơi, từng nhóm, từng nhóm rôm rả bàn bạc, ai cũng tự lên… kế hoạch ngắn hạn (tuần, mươi ngày) hoặc dài hạn (tháng, cả dịp hè…), cứ y như rằng chắc chắn mình phải thực hiện cho… bằng được. Tất cả cứ bàn chuyện vui chơi, thư giãn, tuyệt nhiên chả thấy ai bàn bạc việc ôn tập hoặc học thêm trong những ngày hè. Thế mới oai chứ!

Ảnh minh họa.

Đó là tôi nhớ và nhắc đến những ngày hè thời xa xưa, chứ trẻ con bây giờ… hình như mất dần kỳ nghỉ hè thật sự thoải mái bởi sự sắp xếp và ý chí của các bậc cha mẹ (!?). Đâu rồi một mùa hè đúng nghĩa hiện nay cho con trẻ? Nhìn từ thực tế mươi năm trở lại đây, hiếm thấy gia đình nào hoàn toàn có thể cho trẻ về quê vui chơi với ông bà, họ hàng trong dịp hè, vui cùng triền đê, tiếng sáo diều... Điều này có thể làm giảm đi sự gắn bó tình cảm gia đình, đồng thời làm cho trẻ mất đi dịp tìm hiểu về cuộc sống ở một nơi mới, có thêm những người bạn mới, rèn tính tự lập ở một môi trường xa cha mẹ, trong khi những kỹ năng này cũng quan trọng và cần thiết không kém kiến thức sách vở trong nhà trường.

Như vậy, rõ ràng là những ngày hè hiện nay của con trẻ được lấp đầy bằng những buổi học thêm môn này, môn nọ, cũng vẫn tiếp tục… cõng balô nặng trĩu sách vở trên lưng, sống trong những ngày hè mà cứ như là “trong năm học” chính khóa. Thật tội nghiệp, “mỗi năm đến hè mà ta… lại không được nghỉ hè, nên lòng vẫn man mác buồn” là vậy! Ngày hè của con trẻ thành thị thường trôi nhanh theo những lớp học thêm buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều và buổi tối. Học chả kịp ăn, mới ra khỏi lớp này, tay cầm “fast food”-thức ăn nhanh, chân nhanh bước vào lớp học khác. Ối trời ơi…! Áp lực học tập theo chương trình phổ thông như vậy làm cho trẻ phải nhồi nhét quá nhiều kiến thức sách vở, có khi… bội thực chứ chả phải chuyện chơi đâu nhé! Cho nên, dần dần theo năm tháng, trẻ em lớn lên và đánh rơi khả năng thiên phú trong các lĩnh vực, kỹ năng sống lúc nào không biết. Bởi lẽ, năng khiếu nếu không được phát hiện đúng lúc và thường xuyên trau dồi thì rất dễ bị lãng quên. Ngược lại, trong trường hợp tài năng thiên bẩm của trẻ được phát triển, chắc chắn con trẻ sẽ trưởng thành, chững chạc hơn trong tương lai.

Hiện tại, mùa hè đang đến, kéo theo mong muốn vui chơi của con trẻ. Sau thời gian đèn sách ở nhà trường, mùa hè thực sự là cơ hội cho trẻ khám phá thế giới bên ngoài và khám phá nhiều hơn khả năng của chính mình. Nhưng cho con vui chơi như thế nào mới thực sự đúng cách? Làm thế nào để trẻ có thể phát triển toàn diện hơn? Thật vậy, tôi đã gặp nhiều trẻ với thành tích học tập xuất sắc, nhưng lại bị khiếm khuyết khả năng tự lập, tự biết lo cho mình. Nhiều bậc cha mẹ đã cho con em mình tham gia các hoạt động ngoại khóa, học năng khiếu như nhạc, mỹ thuật, võ thuật… Các hoạt động này giúp trẻ phát triển và rèn luyện thể chất, tinh thần, phù hợp với mức độ phát triển tư duy của lứa tuổi, tạo môi trường học tập sáng tạo tối ưu để con trẻ trải nghiệm, khám phá thế giới, khám phá bản thân, khám phá nghệ thuật, rèn văn hóa giao tiếp ứng xử, nâng cao kỹ năng sống…

Hè đến, đồng thời với quan tâm đến việc học tập, phát triển năng khiếu và kỹ năng sống cho trẻ, các bậc cha mẹ chúng ta cũng nên để cho con trẻ vui chơi, thoải mái bay bổng với tiếng sáo diều tuổi thơ đầy mơ ước trên cánh đồng khát vọng của mình!