CHUYỆN NHƯ ĐÙA:

Ô-sin

(NTO) Năm 1994, VTV khởi chiếu bộ phim Ô-sin (Oshin), đây là bộ phim truyền hình của Nhật dài 297 tập, mỗi tập 15 phút. Và cũng kể từ đó, “Ô-sin” trở thành khái niệm thông dụng của nước ta, với nghĩa là “người giúp việc trong gia đình”, dễ gọi và gần gũi trong quan hệ giao tiếp, ứng xử của gia đình người Việt.

Với nhịp sống hối hả, bận rộn của xã hội công nghiệp hiện đại, rõ nét nhất tại khu vực đô thị, thì nhu cầu về ô-sin, người giúp việc gia đình cần thiết hơn bao giờ hết để đáp ứng sự phát triển của xã hội. Ở nông thôn hiện nay, để giải quyết thời gian “nông nhàn” cho lực lượng lao động phổ thông, nhiều phụ nữ đã chọn nghề này khi lên thành phố. Tuy nhiên, do đại đa số người làm ô-sin xuất thân từ vùng nông thôn, chưa qua đào tạo, “cọ xát” với nếp sống thị thành nên có những cách biệt nhất định về tập quán, văn hóa, ứng xử… và từ đó xảy ra những chuyện sống dở, chết dở, thật mà cứ như đùa giữa ô-sin và chủ nhà.

Sát nhà tôi, có gia đình công chức trẻ có một con nhỏ, quá trình tìm người giúp việc “như ý” đã để lại nhiều chuyện “cười hổng nổi”. Đầu tiên, vợ chồng chạy vạy sốt vó để kiếm ô-sin với mức thù lao khoảng dưới ba triệu đồng một tháng để dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, giặt giũ, giữ trẻ… Qua môi giới, cô vợ kiếm được một cháu gái 14 tuổi ở quê, nghỉ học giữa chừng vì nhà đông anh em. Được hai ngày, cháu này đang tuổi ăn, tuổi chơi, không tự giác làm việc, thứ gì cũng phải nhắc nhở, ru em thì em chưa ngủ đã… ngáy trước em, nên chủ nhà bức xúc, đành phải… thôi việc. Được người quen giới thiệu, vài ngày sau, lại kiếm được một chị khoảng 40 tuổi, tướng tá trông cũng sạch sẽ, tinh tươm. Qua công việc, chị ta cũng năng nổ, nhiệt tình, nhưng hễ gặp mặt bà chủ thường hay “than nghèo, kể khổ” để mượn tiền trước. Mới làm 3 ngày đã “ứng” hết cả tháng lương về mua gạo. Vì khó khăn tìm người nên chủ nhà cũng thông cảm giải quyết… và qua hôm sau thì ô-sin này biến mất trên “màn hình”, không biết nhà cửa, quê quán đâu mà tìm. Lần nọ, gặp một ô-sin khác cũng ứng tiền trước rồi… bỏ nhảy, dù đã biết rõ nhà ở quê, cách phố vài chục cây số, sau vài lần đi lại đòi tiền “ứng” không được, đành phải “tiền mất, tật mang”, bởi vì pháp luật cũng chưa có những quy định cụ thể về quyền lợi, trách nhiệm của người giúp việc. Và giao dịch giữa ô-sin và chủ nhà thường là hợp đồng… miệng, không ký kết gì cụ thể, cho nên chuyện… xù nhau, nói qua, nói lại là thường, chẳng có gì ràng buộc nhau. Rõ chán!

Đó là chưa nói đến trăm việc dở khóc, dở cười khác xảy ra giữa ô-sin và nhà chủ. Tất nhiên, ai cũng muốn ô-sin phải có những phẩm chất như đạo đức tốt, tôn trọng việc riêng của gia chủ, thật thà, không tham lam, siêng năng, tự giác làm việc… Rõ ràng, giúp việc nhà là một việc khá nhạy cảm, vì dù muốn hay không người lao động cũng trở thành một thành viên của gia đình, nên ô-sin thường “rõ ràng, rành rẽ” chuyện “thâm cung bí sử” của nhà chủ. Và làm sao tránh khỏi việc ô-sin đem chuyện nhà chủ kể với hàng xóm láng giềng cùng “lắng nghe và thấu hiểu” thì cũng là chuyện… bình thường. Sáng nay, tắm biển sớm, nghe một phụ nữ tâm sự với chị bạn, hôm qua có việc đột xuất nên giữa buổi chị từ cơ quan về nhà, gặp chồng mình đang vui vẻ ka-ra-ô-kê cùng ô-sin bài Tàu anh qua núi của tác giả Phan Lạc Hoa… thì thử hỏi ai mà chịu nổi, có mà tự tử quách cho xong!

Nhưng nói gì thì nói, trái đất vẫn quay, mặt trời vẫn mọc mỗi sáng, thì nhu cầu về ô-sin vẫn luôn là vấn đề bức xúc. Theo sự phân công lao động của xã hội, dù có chọn nghề nào để kiếm sống, trong đó có “nghề” ô-sin đi chăng nữa, thì ai cũng phải chấp nhận gian khổ, nhọc nhằn và khi đó, đồng tiền kiếm được mới đáng quý và đáng trân trọng!