Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản

Ngày 26/5, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã khai mạc tại thành phố Ise-Shima thuộc tỉnh Mie ở miền Trung Nhật Bản với phiên thảo luận đầu tiên về thực trạng của nền kinh tế toàn cầu cũng như tập trung vào vai trò dẫn đầu của G7 trong việc mang lại hòa bình và thịnh vượng trên thế giới.

 
Các nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7 tại Ise-Shima, miền Trung Nhật Bản. (Ảnh: NHK)

Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị gồm: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Italy Matteo Renzi, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker.

Về phía nước chủ nhà đã triển khai khoảng 100.000 cảnh sát trên khắp đất nước Nhật Bản để bảo đảm an ninh trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7. Đây là một lực lượng cảnh sát đông đảo nhất được huy động để bảo đảm an ninh cho một hội nghị thượng đỉnh từng được tổ chức tại Nhật Bản trong bối cảnh quốc gia châu Á này đang cảnh giác cao độ trước các mối lo ngại về tấn công khủng bố.

Hiện dư luận đang chú ý vào khả năng các nước G7 có thể đưa ra một cách tiếp cận phù hợp cho nền kinh tế thế giới trong bối cảnh đang phải đối mặt với những rủi ro từ sự chững lại của các nền kinh tế đang lên, sự sụt giảm giá dầu và kịch bản Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)…Về phía Thủ tướng Abe mong muốn các nhà lãnh đạo của Nhóm G7 sẽ phát đi một thông điệp mạnh mẽ trước các cam kết dẫn đầu tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua các chính sách kích thích tài khóa và các biện pháp khác.

Trong khi đó, một số nước khác trong Nhóm G7 lại muốn ưu tiên thảo luận các nguyên tắc về tài chính, đồng thời tỏ ra thận trọng trước các biện pháp thúc đẩy các khoản chi tiêu của chính phủ. Chính vì thế, với vai trò Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này, Thủ tướng Abe gánh vác một trọng trách nặng nề là phải tìm kiếm một nền tảng chung để có thể đưa ra một lập trường thống nhất giữa các nước thành viên. “Chủ đề lớn nhất của hội nghị lần này sẽ là cách thức đối phó với nền kinh tế toàn cầu. Đã đến lúc G7 phải đối phó với những kích bản khác nhau. Tôi hy vọng Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ phát đi một thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ, nhằm đóng góp cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của nền kinh tế thế giới” – ông Abe nói.

Trong thời gian diễn ra Hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 sẽ tham gia vào 4 phiên họp khác nhằm thảo luận về một loạt các vấn đề nổi cộm trên thế giới trong đó gồm chủ nghĩa khủng bố, cuộc khủng hoảng người tị nạn và thay đổi khí hậu… Dự kiến, các nước tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ ra một bản tuyên bố chung vào phiên bế mạc Hội nghị diễn ra vào ngày 27/5. Báo chí Nhật Bản cho biết, trong tuyên bố chung này, các nhà lãnh đạo Nhóm G7 cũng sẽ tiếp tục kêu gọi tôn trọng luật pháp và tỏ rõ lập trường phản đối các hành vi khiêu khích nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.

Theo số liệu thống kê, sẽ có khoảng 6.000 phóng viên, nhà báo đưa tin về sự kiện này.

Nguồn Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam