Hoạt động của các phó Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Bắc

Ngày 19/5, tại Yên Bái, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã thăm và làm việc tại Ban Chỉ đạo Tây Bắc.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao và biểu dương những kết quả mà Ban Chỉ đạo Tây Bắc đạt được trong thời gian qua, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội, từng bước nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, Tây Bắc còn nghèo, đời sống nhân dân còn khó khăn, hạ tầng giao thông còn hạn chế, trình độ dân trí chưa cao. Đặc biệt, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo theo tiêu chí tiếp cận đa chiều hiện chiếm gần 40% dân số là điều đáng suy nghĩ đối với mọi cấp, mọi ngành.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý, các tỉnh trong khu vực và hệ thống chính trị cần vào cuộc, tìm ra giải pháp để Tây Bắc từng bước thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay. Các tỉnh cần phải xác định rõ tiềm năng, lợi thế của mình để có giải pháp hiệu quả, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế-xã hội của từng tỉnh và cả vùng, tạo ra chuỗi giá trị của sản phẩm, hàng hóa. Đánh giá khách quan, khoa học và hiệu quả của một số loại cây trồng như cao su, chăn nuôi đại gia súc, thủy sản... Gắn sinh kế của người dân với bảo vệ môi trường sống của nhân dân.

Đồng thời, các tỉnh cần tổ chức và thực hiện thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, thực sự là đợt sinh hoạt và vận động chính trị của toàn dân, phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm và quyền lợi của người dân. Kiên quyết không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ về an ninh trật tự trên địa bàn.

Tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa phương bảo đảm cao nhất công tác quốc phòng an ninh trên địa bàn, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm như ma túy, buôn bán trẻ em và phụ nữ; không để xảy ra các điểm nóng trên địa bàn do các thế lực thù địch gây rối, kích động nhân dân; vô hiệu hóa các âm mưu thủ đoạn của kẻ xấu và các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp trên địa bàn; xây dựng tuyến biên giới hữu nghị, hòa bình, phát triển.

Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo có trách nhiệm rà soát kiến nghị của các tỉnh, ý kiến kết luận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi làm việc tại các tỉnh Tây Bắc cũng như phối hợp với các bộ, ngành để thực hiện có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới; các tỉnh có giải pháp hạn chế di cư trái phép, ổn định cuộc sống cho bà con; phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các chính sách phát triển vùng Tây Bắc; cùng các địa phương tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, hội nghị để đề ra các giải pháp thiết thực cho phát triển vùng. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đề nghị cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục kiện toàn bộ máy đủ năng lực để thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy vùng Tây Bắc phát triển nhanh, bền vững, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với TP. Cần Thơ về tình hình kinh tế - xã hội

Ngày 19/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đã thị sát các dự án đầu tư và làm việc với lãnh đạo TP. Cần Thơ về việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Phó Thủ tướng đánh giá cao những kết quả Cần Thơ đạt được trong phát triển sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, kiểm soát lạm phát, góp phần bảo đảm thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội chung của cả nước.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, mặc dù chỉ số năng lực cạnh tranh của Cần Thơ được cải thiện, đứng vị trí 14/63 tỉnh, thành phố (năm 2015), nhưng Cần Thơ chỉ đứng thứ 5/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, chưa tương xứng với vai trò, vị trí của Thành phố. Do đó, Cần Thơ cần đi đầu trong vùng ĐBSCL về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 19- 2016/NQ-CP), thu hút đầu tư, phát triển khởi nghiệp, sáng tạo.

“Vườn ươm công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc tại khu công nghiệp Trà Nóc là vốn quý của Cần Thơ để khởi nghiệp. Nhưng cần phải hiểu đây không phải của riêng Thành phố, mà còn là của các tỉnh lân cận để thúc đẩy khởi nghiệp và sáng tạo. Phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ để hỗ trợ hoạt động, đồng thời tăng cường quảng bá Vườn ươm tới cộng đồng doanh nghiệp, khởi nghiệp”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, vườn ươm phải là địa chỉ “ra đời” các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam.

Để bảo đảm cho vườn ươm hoạt động bền vững, Phó Thủ tướng đề nghị địa phương không nên bao cấp về cán bộ, ngân sách, mà phải vận hành theo cơ chế thị trường, kêu gọi sự tham gia của các quỹ đầu tư mạo hiểm vào hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, Phó Thủ tướng đồng tình việc bổ sung khu vườn ươm công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc vào quy hoạch khu công nghệ cao của Thành phố để có điều kiện đầu tư hạ tầng.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Thành phố Cần Thơ, với vai trò là trung tâm của ĐBSCL, nỗ lực thực hiện Quyết định số 207/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chung TP. Cần Thơ tới năm 2025 là trung tâm công nghiệp, thương mại-dịch vụ, du lịch, giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ, y tế và văn hoá của vùng ĐBSCL; đô thị cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong; đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Cần Thơ tích cực và chủ động thực hiện Quyết định số 593 mới đây của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm liên kết vùng ĐBSCL, trong đó quan tâm tới việc phối hợp ngăn mặn, tích trữ nước ngọt; liên kết trong sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch, đầu tư và sử dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng chung của khu vực. Trong kỳ Hội nghị xúc tiến đầu tư vào khu vực ĐBSCL tới đây (MDEC Hậu Giang 2017), Cần Thơ và các địa phương cần chủ động đóng góp ý kiến liên quan tới những vấn đề cụ thể của liên kết vùng như phòng hạn, mặn, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản để có thể áp dụng ngay trong thực tiễn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giải quyết một số kiến nghị của địa phương liên quan đến hỗ trợ kinh phí nạo vét kênh mương để tích nước bảo đảm cho sản xuất, xây dựng hạ tầng giao thông và bồi thường tái định cư trên địa bàn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với Bộ Giao thông vận tải

Ngày 19/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã làm việc với Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những kết quả Bộ GTVT đã đạt được trong những năm vừa qua, đặc biệt là công tác đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng GTVT. Nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác, đóng góp quan trọng vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.

Lĩnh vực vận tải từng bước được tái cơ cấu hợp lý, các phương thức vận tải được kết nối hài hoà, phát huy thế mạnh của từng phương thức, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và kiểm soát tải trọng phương tiện đã có chuyển biến rõ rệt, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM dù vẫn còn xảy ra nhưng đã có nhiều chuyển biến tích cực so với trước đây.

Bộ GTVT đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc ngành; huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GTVT thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh đến công tác hoàn thiện thể chế, trong đó ưu tiên cao nhất là xây dựng những chính sách hiệu quả để thu hút ngồn lực cho các dự án phát triển hạ tầng GTVT.

“Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế. Hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế-kỹ thuật”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng yêu cầu cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân các dự án đầu tư, thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công-tư (PPP) bao gồm cả nguồn lực trong và ngoài nước.

Với đề xuất về hoàn thiện chính sách đầu tư PPP của Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ GTVT sớm hoàn thành các thông tư hướng dẫn; nghiên cứu ban hành mẫu hồ sơ mời sơ tuyển, mời thầu lựa chọn nhà đầu tư, hợp đồng dự án PPP; hướng dẫn giải ngân vốn góp Nhà nước; nghiên cứu quy định về bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cơ chế bảo hành vốn vay nước ngoài của các nhà đầu tư trong nước.

“Hình thức hợp tác công-tư nên được xác định là ưu tiên trong lĩnh vực phát triển hạ tầng GTVT”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính rà soát mức phí BOT đường bộ ở mức hợp lý, bảo đảm hài hoà lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và khả năng chi trả của người sử dụng. Ngoài ra, Bộ GTVT cần tăng cường công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư, phối hợp kịp thời với các bộ, ngành để được hướng dẫn nếu có vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh những nhiệm vụ nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu ngành GTVT triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường rà soát, đánh giá, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; chuyển phương thức quản lý hành chính sang phục vụ, hướng tới doanh nghiệp, người dân.

Toàn ngành cần triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu vận tải ngành GTVT, hướng tới phát triển hài hoà, hợp lý các phương thức vận tải, tăng cường kết nối các phương thức nhằm giảm áp lực cho đường bộ, phát triển vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng, tiếp cận công tác xã hội hóa bến xe. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện siết chặt quản lý vận tải và duy trì thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện.

Công tác bảo đảm an toàn trật tự giao thông cũng cần được chú trọng với mục tiêu giảm 5-10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT hằng năm. Rà soát, xử lý các điểm đen về TNGT và ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành GTVT nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước; tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả giám sát, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Cùng với đó, cần củng cố phát triển các doanh nghiệp nắm giữ các khâu then chốt, là huyết mạch của ngành GTVT trong lĩnh vực hàng hải, đường sắt, hàng không, công nghiệp đóng tàu, từ đó hình thành một cơ cấu vận tải hợp lý, khai thác tối đa thế mạnh về biển của đất nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp Tổng Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á – Trung Đông và Bắc Phi của tập đoàn Toyota (Nhật Bản)

Ngày 19/5, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tiếp ông Fukui Hiroyuki – Tổng Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á – Trung Đông và Bắc Phi của tập đoàn Toyota (Nhật Bản).

Chào mừng ông Fukui Hiroyuki sang thăm và làm việc tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng nhà máy Toyota là một trong những ví dụ điển hình cho thành công của nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam.

Trong những năm qua, thực hiện những thoả thuận mà lãnh đạo cấp cao của hai nước đã đạt được, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và thu được nhiều kết quả tích cực. Hiện tại, Nhật Bản là một trong số những nước dẫn đầu về vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, thị trường ô tô tại Việt Nam là rất hứa hẹn, với nhu cầu sử dụng ô tô ngày càng cao. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô. Đây là cơ sở thuận lợi cho các nhà sản xuất yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất.

Trong thời gian tới, để phát triển công nghiệp hỗ trợ nói chung, trong đó có công nghiệp ô tô, Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Nhật Bản, trong đó có Toyota.

Phát biểu tại buổi tiếp, ông Fukui Hiroyuki cảm ơn Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dành thời gian tiếp và qua Phó Thủ tướng bày tỏ lời cảm ơn sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã dành cho Toyota trong hơn 20 năm hoạt động tại Việt Nam. Ông cho biết, Toyota luôn đánh giá Việt Nam là thị trường rất tiềm năng, có triển vọng tăng trưởng lớn trong tương lai.

Ông Fukui Hiroyuki cho biết trong thời gian tới Toyota sẽ nghiên cứu để mở rộng đầu tư, đồng thời mong muốn cùng với các bộ, ngành của địa phương có sự chuẩn bị chủ động để ô tô sản xuất tại Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác, khi Việt Nam mở cửa thị trường vào năm 2018 theo các thoả thuận thương mại đã ký kết. Bên cạnh đó, Toyota cũng sẽ cùng với các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc phát triển các sản phẩm phụ trợ cho ngành công nghiệp ô tô.

Văn phòng Chính phủ