Vấn đề hôm nay:

Chủ động ứng phó với hạn hán khắc nghiệt!

(NTO) Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hiện tượng El Nino tiếp tục ảnh hưởng và đạt cường độ của El Nino mạnh kỷ lục và sẽ kéo dài đến tháng 6 năm nay, khả năng không có lũ tiểu mãn, độ mặn sẽ xâm nhập sâu vào cửa sông ven biển... Như vậy, năm 2016 này nguy cơ hạn hán xảy ra với mức độ càng khốc liệt hơn năm 2015 và sẽ tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của phần lớn người dân trên địa bàn tỉnh. Mặc dù công tác ứng phó với hạn hán đã được tỉnh chỉ đạo sát sao, cộng với sự hỗ trợ nguồn lực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự cố gắng vươn lên của Nhân dân, tuy nhiên do hạn hán diễn ra gay gắt, kéo dài, trên diện rộng đã gây thiệt hại cho sản xuất vụ đông-xuân trên 122 tỷ đồng; gần 2.170 con gia súc bị chết với thiệt hại gần 5 tỷ đồng…

Nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) chuyển dịch trồng đậu xanh ít sử dụng nước tưới, đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Sơn Ngọc

Trong thời gian tới, cũng theo dự báo, tình trạng thiếu hụt lượng mưa ở Ninh Thuận sẽ còn tiếp tục kéo dài đến khoảng tháng 9, dòng chảy trên các sông có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 80-90%...

Trước tình hình trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định công tác ứng phó hạn hán là nhiệm vụ chính trị cấp bách, thường xuyên, ưu tiên của cả hệ thống chính trị, với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm, khẩn trương, nghiêm túc nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra, đảm bảo ổn định đời sống Nhân dân, an sinh xã hội, nhất là nhân dân ở những vùng hạn hán. Do vậy, yêu cầu đặt ra là các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các nội dung theo Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 4-2-2016 của Thủ Tướng Chính phủ; Chỉ thị số 66-CT/TU ngày 4-3-2015 của Tỉnh ủy; Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 7-4-2016 của UBND tỉnh với mục tiêu cao nhất đó là: Không để dân đói, dân khát, không để gia súc chết, không để phát sinh dịch bệnh; tập trung thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn tiết kiệm nước… Với tinh thần đó, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối vối các ngành, địa phương, đặc biệt ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ động phối hợp với các cơ quan khí tượng thủy văn và đơn vị liên quan theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn để có giải pháp ứng phó kịp thời; nhất là việc theo dõi để công bố hạn hán và xâm nhập mặn tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời, theo quy định; Phối hợp với Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi duy trì mức xả nước từ nhà máy Thủy điện Đa Nhim theo từng thời kỳ, thời điểm, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân; trong đó, ưu tiên hàng đầu nguồn nước phục vụ dân sinh, nước uống cho gia súc và nước tưới cho cây trồng lâu năm. Về kế hoạch sản xuất vụ hè-thu dự kiến toàn tỉnh gieo trồng gần 16.600 ha, chủ yếu thuộc hệ thống thủy lợi Nha Trinh-Lâm Cấm, Sông Pha với tổng diện tích trên 14.200 ha; trong đó có gần 10.400 ha lúa và diện tích còn lại trồng màu.

Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, cùng với việc rà soát để cân đối nguồn nước cung cấp cho các diện tích gieo trồng trong kế hoạch, không sản xuất vùng không chủ động nước; Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố tổ chức quản lý, điều tiết nguồn nước hợp lý, xây dựng kế hoạch vận hành của từng hệ thống hồ, đập thủy lợi và kế hoạch tưới luân phiên giữa các kênh trong hệ thống, thực hiện các biện pháp tích nước, tưới nước tiết kiệm, đồng thời tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất tiết kiệm nước. Ngoài ra, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả, tiết kiệm nước. Cụ thể sẽ chuyển trên 526 ha ở các vùng thiếu nước sang trồng đậu xanh (353,2 ha), bắp (110,7 ha), mè (20 ha)…Trong số này, nhiều nhất là Thuận Bắc 250 ha, Bác Ái 165 ha, Ninh Phước 81,4 ha…Mặt khác, các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên sử dụng các loại cây trồng có khả năng chịu hạn cao, thời gian sinh trưởng ngắn; kiên quyết ngăn chặn việc gieo trồng tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước tưới, ngoài kế hoạch sản xuất để giảm thiệt hại; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân có giải pháp di chuyển đàn gia súc đến những nơi chủ động được thức ăn và nước uống; tăng cường các giải pháp như trồng cỏ, tận thu và chế biến thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp cho đàn gia súc…

Tin rằng, bằng những chỉ đạo sát sao, quyết liệt như đã nêu trên sẽ góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán khắc nghiệt gây ra trên địa bàn tỉnh.