Đóng trên địa bàn xã Lợi Hải (Thuận Bắc), năm học này, Trường THCS Bùi Thị Xuân có 61 HS lớp 9, phần đông là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên ý thức học tập của HS nhiều lúc chưa cao. Theo đánh giá của Ban Giám hiệu nhà trường, năm nay, số lượng HS lớp 9 ít hơn và chất lượng cũng thấp hơn so với năm học trước. Cô giáo Nguyễn Thị Thế, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Với quyết tâm đạt mục tiêu 100% HS đủ điều kiện xét tốt nghiệp và đỗ vào các trường THPT, ngay từ giữa tháng 4, nhà trường đã tổ chức bồi dưỡng, ôn tập 2 môn Ngữ văn và Toán cho HS khối 9 với thời lượng 2 buổi/tuần. Ngoài ra, để giúp các em củng cố kiến thức, tiếp thu bài học nhanh và vững chắc hơn, trong thời gian nước rút này, nhà trường còn tăng cường kiểm tra 1 tiết, 15 phút; giáo viên bộ môn tổ chức kiểm tra bài, phân loại HS để có kế hoạch kèm cặp, phụ đạo phù hợp.
Giờ lên lớp của cô và trò Trường THCS Lê Văn Tám (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm).
Ở Trường THCS Lê Văn Tám (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), không khí ôn tập, củng cố kiến thức cho HS lớp 9 cũng được nhà trường triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Thầy giáo Phan Thái Lan, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Năm học này, toàn trường có 129 HS khối 9, biên chế vào 4 lớp. Với mục tiêu phấn đấu 98% HS đủ điều kiện xét tốt nghiệp và thi đỗ vào lớp 10 THPT, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức phụ đạo cho HS yếu, kém với thời lượng 2 tiết/tuần; đồng thời, củng cố kiến thức, giúp HS các lớp nâng cao kiến thức ở các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Hóa học và Vật lý trong giờ học theo chủ đề tự chọn. Sau khi kết thúc chương trình chính khóa, từ ngày 20-5 đến hết ngày 12-6, nhà trường tiếp tục bồi dưỡng cho HS khối 9 ở 2 môn Ngữ văn và Toán với thời lượng 5 buổi/tuần, qua đó giúp các em bổ sung, hệ thống lại kiến thức đã học, chuẩn bị tốt tâm lý, sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, nội dung thi lớp 10 THPT năm học 2016-2017 về cơ bản như năm học 2015-2016. Nội dung thi nằm trong chương trình cấp THCS do Bộ GD&ĐT ban hành, chủ yếu là lớp 9, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình và đánh giá theo định hướng phát triển năng lực HS. Riêng môn Ngữ văn, cấu trúc đề thi bao gồm 2 phần: Đọc hiểu văn bản và Tạo lập văn bản (tương tự cấu trúc đề kiểm tra chung toàn tỉnh môn Ngữ văn lớp 9, học kỳ I, năm học 2015-2016). Trong đó, phần Đọc hiểu văn bản bao gồm: đọc hiểu một hoặc một số văn bản/đoạn trích văn bản có hoặc không có trong chương trình, nội dung phù hợp với trình độ nhận thức, tâm sinh lý HS cấp THCS; phần Tạo lập văn bản có nội dung câu hỏi, đề làm văn tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước…
Bám sát các văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT, trong thời gian ôn tập, phụ đạo cho HS lớp 9, Ban Giám hiệu và giáo viên các trường THCS đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp, phân loại năng lực HS để có phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá phù hợp; quan tâm, giúp đỡ HS yếu, cử HS khá, giỏi hỗ trợ những HS trung bình nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi... Cô giáo Nguyễn Tôn Kinh Tuyến, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Lê Văn Tám, chia sẻ: Nhìn chung các em có ý thức chăm lo việc học, tuy nhiên kỹ năng làm bài của một số HS chưa thật tốt. Bởi vậy, để giúp các em củng cố kiến thức, đáp ứng yêu cầu kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, trong quá trình ôn tập, bên cạnh việc tập trung hệ thống lại kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, nhà trường chủ động thiết kế đề thi minh họa theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, giúp các em hiểu và thành thạo kỹ năng đọc hiểu văn bản, tạo lập văn bản, biết bộc lộ quan điểm, chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, quốc tế, trong nước, tại địa phương, biết liên hệ nội dung tác phẩm văn học với bản thân và đời sống thực tiễn…
Theo kế hoạch, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 14-6. Tin rằng, với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và quyết tâm cao, thầy và trò các trường THCS sẽ gặt hái nhiều thành công như mong đợi.
Phạm Lâm