Cần nhận thức và thực hiện đúng đắn quy định pháp luật về vận động bầu cử

(NTO) Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐBHĐND) hiện hành quy định về các nguyên tắc và các hình thức vận động bầu cử. Vận động bầu cử là hoạt động của những người ứng cử ĐBQH và ĐBHĐND tiếp xúc với cử tri và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để trình bày dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH hoặc ĐBHĐND.

Pháp luật về bầu cử, ứng cử của nước ta từ trước đến nay chỉ có quy định về “vận động bầu cử” chứ không có “tranh cử” như một số quốc gia có thể chế chính trị khác với nước ta. Do đó cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn về hoạt động “vận động bầu cử” theo quy định của pháp luật của nước ta để không nhầm lẫn với hoạt động “tranh cử” như các quốc gia khác và quan trọng nhất là không để xảy ra tình trạng lạm dụng hoặc lợi dụng vận động bầu cử để làm trái với các quy định pháp luật.

Nguyên tắc cơ bản của vận động bầu cử là “việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội” (Khoản 1, Điều 63, Luật bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND) và “các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử” (Khoản 2, Điều 63).

Luật cũng quy định chỉ có hai hình thức vận động bầu cử. Một là, gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử và hai là, thông qua phương tiện thông tin đại chúng (Điều 65, Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND). Những quy định pháp luật trên đây yêu cầu người ứng cử và các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc và hình thức vận động bầu cử.

Trước hết, những người ứng cử phải thực hiện bình đẳng, công khai các hình thức vận động bầu cử. Tất cả những người ứng cử đều có quyền và nghĩa vụ như nhau trong khi thực hiện các hình thức vận động bầu cử. Luật cũng quy định những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử, cụ thể là: 1- Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; 2- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; 3- Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; 4- Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri (Điều 68, Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND).

Qua đó để thấy rằng quyền vận động bầu cử của những người ứng cử là giống nhau, là bình đẳng và công khai, minh bạch, không có yếu tố “tranh cử” làm tổn hại danh dự, uy tín của người khác. Cũng như không có các hình thức lạm dụng chức vụ, quyền hạn, điều kiện vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri có lợi cho mình.

Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này cũng phải thực hiện nhiệm vụ một cách khách quan, vô tư, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi đúng pháp luật để những người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử của mình. Yêu cầu là không được vận động cho người ứng cử, càng không được vận động riêng cho bất kỳ người ứng cử nào.

Nói một cách ngắn gọn, vận động bầu cử phải bảo đảm công khai, dân chủ, có tổ chức và tuân thủ pháp luật.

Nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vận động bầu cử theo quy định của pháp luật để cử tri và các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm về công tác bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND giám sát việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động vận động bầu cử diễn ra trong giai đoạn cuối cùng trước khi cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 chính thức được tiến hành vào ngày 22 tháng 5 năm 2016 sắp đến.