Làng Chăm Tuấn Tú áp dụng mô hình trồng rau an toàn, mang lại hiệu quả cao

(NTO) Tuấn Tú là thôn duy nhất của xã An Hải (Ninh Phước) có đồng bào Chăm sinh sống, với 425 hộ/2.017 nhân khẩu. Nhờ phát huy hiệu quả mô hình trồng rau an toàn (RAT), nhiều hộ đã thoát nghèo và góp phần xây dựng thương hiệu “RAT An Hải”.

Tuy là vùng đất cát, nhưng thôn Tuấn Tú được thiên nhiên ban tặng nguồn nước ngầm dồi dào, có thể sản xuất quanh năm với nhiều loại cây trồng chủ lực như: đậu phộng, cà chua, củ cải trắng, hành lá, măng tây xanh... Phát huy lợi thế địa phương, đến nay, đã có 181 hộ đồng bào Chăm tham gia sản xuất RAT với tổng diện tích 200ha. Người dân đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm trên rau màu theo hướng VietGAP. Với chi phí lắp đặt thấp (hệ thống tưới phun mưa từ 3-4 triệu đồng/sào và hệ thống tưới nhỏ giọt từ 1,5-2 triệu đồng/sào), nên nhiều hộ có thu nhập trung bình cũng dễ dàng lắp đặt. Hiện nay, toàn bộ 181 hộ tham gia trồng RAT đều lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, góp phần tiết kiệm nguồn nước, thời gian, công lao động. Mỗi ngày địa phương cung cấp hàng chục tấn rau, củ, quả sạch cho các chợ đầu mối, siêu thị và xuất ra thị trường các tỉnh lân cận.

 

Nông dân Hùng Ky áp dụng hiệu quả hệ thống tưới nước tiết kiệm mang lại hiệu quả sản xuất cao.

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình hạn hán diễn ra gay gắt, nguồn nước ngầm dần cạn kiệt, ảnh hưởng đến việc sản xuất RAT. Để “sống chung” với hạn, bà con trong thôn lại chủ động khoan giếng tìm nguồn nước ngầm phục vụ sản xuất. Theo thống kê, hiện nay, hầu hết các hộ tham gia trồng RAT đều khoan giếng sâu từ 11-15m, với chi phí khoảng 5-10 triệu đồng/giếng. Bên cạnh đó, nhiều hộ áp dụng công nghệ tưới phun mưa bằng béc cố định và ứng dụng lịch trình tưới theo chảo bốc hơi nước (còn gọi là mini-pan) để sử dụng hợp lý nguồn nước, tiết kiệm tối đa lượng nước sử dụng cho cây trồng. Là người tiên phong áp dụng lịch trình tưới theo chảo bốc hơi nước, ông Hùng Ky cho biết: Trước đây, do áp dụng phương pháp tưới tràn nên 2,5ha rau màu của gia đình thường bị thiếu nước tưới, năng suất thấp. Sau khi được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ và Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc chuyển giao mô hình tưới phun mưa bằng béc cố định, ứng dụng lịch trình tưới theo chảo bốc hơi nước, gia đình đã thử nghiệm trên 3 sào. Sau khi thu hoạch rau cho năng suất cao, tiết kiệm từ 70-80% lượng nước, khắc phục tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng trong mùa hạn, nên mình mạnh dạn mở rộng ra 2,5ha. Nhờ sản xuất ổn định, mỗi năm gia đình thu về khoảng 200 triệu đồng từ việc trồng rau.

Với việc áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm nên dù nằm cuối hạ lưu sông Dinh, người dân vẫn sản xuất được 3 vụ/năm, giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững. Điển hình như ông Hứa Văn Sắn, từ hộ nghèo chỉ có 500m2 đất, nhờ thu mua măng tây xanh đưa ra thị trường tiêu thụ đã trở thành hộ giàu trong thôn. Đời sống bà con trong thôn ngày càng khấm khá, toàn thôn hiện có 92,9% hộ có kinh tế ổn định, trong đó 32,9% hộ khá, giàu.

Không chỉ chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế, đồng bào Chăm thôn Tuấn Tú luôn phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế và tích cực tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương. Hằng năm, qua bình xét có từ 90-98% hộ gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa. Toàn thôn có trên 50 sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

Ông Kiều Thanh Thoàng, Trưởng thôn Tuấn Tú, cho biết: Khi được tuyên truyền phổ biến về chương trình xây dựng nông thôn mới, bà con trong thôn rất phấn khởi, tích cực hưởng ứng chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” nâng cấp đường bê-tông nội đồng, tu sửa, nạo vét kênh mương, giữ gìn vệ sinh môi trường. Với những nỗ lực của bà con, từ năm 2006 đến nay, thôn Tuấn Tú liên tục được công nhận đạt tiêu chuẩn Thôn văn hóa cấp huyện.