Tôi là người lính

(NTO) Anh làm việc cùng cơ quan vốn là sĩ quan quân đội đã chuyển ngành. Anh coi tôi như em trai mình nên mọi chuyện vui, buồn đều chia sẻ. Biết anh từng là người lính nhưng tôi lại chẳng biết lính như thế nào.

Thế rồi, trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, anh hỏi: Chú có biết tại sao anh là lính không? Tôi gãi đầu lúng túng: Em thật vô tâm! Không để ý đến việc tôi trả lời, anh nói vui: Mình tham gia bộ đội là để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, ai dè thấy lớp học sinh khoác bộ quân phục tiến vào Nam, đội quân của Chính quyền Sài Gòn hoảng quá thua liền. Ở trong quân ngũ chỉ gần mười năm nhưng chất lính đã ăn sâu vào máu thịt tiếp thêm cho mình sức mạnh tự tin trong công tác cũng như cuộc sống.

Chiến sĩ mới trong ngày hội giao quân. Ảnh: ĐN

Với chất giọng ấm, nhè nhẹ anh kể tôi nghe chuyện thăng trầm của chính mình như muốn chuyển tải đến tôi những trải nghiệm, bài học kinh nghiệm. Rời quân ngũ về công tác ở cơ quan dân chính trước những năm đổi mới. Lúc đó anh gần ba mươi tuổi, cao ráo nhanh nhẹn, chỉ nỗi da đen như cột nhà cháy. Lâu lâu bệnh sốt rét rừng tái phát hành hạ, sau trận sốt nước da tái mét, người như dài thêm, tưởng không còn sức sống. Đã thế, đi làm việc chỉ độc bộ đồ quân phục màu xanh cỏ úa. Tài sản ngoài chiếc xe đạp cọc cạch là chính con người anh, mà như cách gọi của một số người thì hắn “trên răng, dưới cắt tút” (vô sản theo nghĩa đen). Đã vậy, cánh đàn ông cơ quan còn kháo thêm “tay này sốt rét kinh niên, chắc nòng nọc đứt đuôi”. Mấy anh chị lớn tuổi thương tình thì “chú nó may mắn lắm sanh được con gái, còn không thì…”. Nhưng điều đó không quan trọng trong chuyện yêu đương, cái tính cứ thành thật khai báo hoàn cảnh gia đình, nhất là kinh tế nên phụ nữ cứ ngãng ra. Lại thêm việc làm quen, ga lăng phụ nữ cứ như là đuổi các em chạy. Ví như, cô gái là giáo viên anh thích, mặc chiếc áo măng tô lửng, da lông cừu màu vàng sẫm (hàng hiệu đắt tiền). Lẽ ra khen nịnh nàng một câu thì anh lại so sánh: Ồ, cái áo khoác của bạn trông ngộ nghê, mà… nó giống chiếc mo nang ở quê thiệt (vỏ bao bọc cây măng tre, khi cây lớn nó khô bung ra, màu vàng sẫm). Thế nên mới có chuyện chuyển ngành ra dân chính năm sáu năm rồi mà anh vẫn là lính “phòng không”. Có điều, phong cách “làm ra làm, chơi ra chơi”, luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, giúp đỡ đồng nghiệp nhiệt tình vô tư, dần dà anh chị em cơ quan ngày càng yêu mến. Sau này khi có vợ, bà xã anh mới thổ lộ: Hồi ông mới về cơ quan vừa thô, vừa tồ, cách phát biểu cứ như dao chặt chém nước và thẳng như ruột ngựa của ông trong hội họp, góp ý người khác làm mọi người khó chịu. Họ nói nhỏ với nhau “thông cảm, hắn ở rừng về”…!? cũng may mà ông hoà nhập nhanh, sống thật với mọi người nên em mới chấm đấy. Chà, là ra thế!

Nhờ chịu khó học hành, nghiên cứu văn bản, công tác nhiệt tình, hiệu quả, cấp trên bổ nhiệm làm phó phòng, trưởng phòng ngành cấp tỉnh. Ở bất cứ cương vị công tác nào anh cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng nghiệp yêu mến, cấp trên tin tưởng. Thế nhưng, cái tính “thẳng như ruột ngựa” từ người lính có lẽ là trở ngại đối với anh nên đã trên hai mươi năm vẫn kiên trì giữ chức trưởng phòng. Có lần tôi nói với anh: Thời công khai minh bạch, tính thẳng như anh tốt chứ sao đâu. Anh nhìn tôi nhẹ nhàng: Chú còn trẻ phải phấn đấu, cứ nghe anh rồi hãy kết luận. Chú biết không, trong quân ngũ, cấp trên khuyến khích người phát biểu cần nói thẳng ra mọi vấn đề, dù đúng hay sai để người chỉ huy xem xét chọn ra phương án tác chiến tốt nhất, hạn chế thiệt hại cho quân ta. Thời nay, lúc nào chú cũng “tính thẳng” sẽ không phù hợp, nhất là khi các lợi ích đan xen nhau thì phải điều chỉnh sao cho có lợi cho công việc chung. À, anh công tác tốt như vậy mà sao đến nay vẫn …? tôi dò hỏi. Anh trầm ngâm, cũng có nhiều người hỏi như chú, nhưng tớ là con nhà lính, tổ chức phân công nhiệm vụ gì ráng làm tốt nhiệm vụ đó. Hạnh phúc của người lính là dù ở cương vị công tác nào, bất kỳ nơi đâu đều lấy việc phục vụ Nhân dân, phụng sự đất nước làm trên hết.

Những thông tin về ngày chiến thắng giải phóng Ninh Thuận, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đang ngập tràn các trang báo giấy, báo mạng. Có lẽ không chỉ những người lính cựu binh hay các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc mà cả dân tộc ta như sống lại những ký ức về những tháng năm gian khổ, ác liệt, hy sinh đầy vinh quang, tự hào để đất nước có Ngày chiến thắng 30 tháng 4. Với tôi, lớp người được hưởng thành quả hoà bình, được anh chia sẻ về cách sống và làm việc của người lính. Tôi tự nhủ, mình sẽ phấn đấu làm người lính, nỗ lực toàn tâm, toàn ý, hết mình phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc, góp phần bé nhỏ cùng mọi người chung tay xây dựng quê hương, đất nước vững mạnh.