DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Kết quả đạt được của mô hình trồng cỏ chịu hạn ở Quảng Sơn

(NTO) Với điều kiện và địa hình tự nhiên phù hợp, huyện miền núi Ninh Sơn có thế mạnh về chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc có sừng. Tuy nhiên do đồng cỏ tự nhiên không đáp ứng đủ nhu cầu làm thức ăn cho đàn gia súc, đặc biệt vào mùa khô hạn tình hình khan hiếm cỏ tự nhiên càng gay gắt, nên việc trồng cỏ phục vụ chăn nuôi rất được nông dân địa phương chú trọng.

Để giải quyết phần nào sự thiếu hụt thức ăn cho gia súc trong mùa khô, dưới sự hỗ trợ kinh phí của Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, từ tháng 7-2015, Trung tâm Khuyến nông (KN) tỉnh triển khai xây dựng mô hình “Trồng cỏ chịu hạn làm thức ăn cho gia súc gắn với tổ nhóm của dự án”. Mục tiêu của mô hình là nhằm chuyển giao cho bà con một số giống cỏ mới chịu hạn, năng suất cao, chất lượng tốt, làm đa dạng thêm nguồn thức ăn cho gia súc; tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

Mô hình trồng cỏ chịu hạn của ông Nguyễn Khoái, ở thôn Hạnh Trí 2.

Được trung tâm phân bổ chi tiết mô hình trên, sau khi bàn bạc thống nhất, Trạm KN huyện Ninh Sơn đã chọn xã Quảng Sơn là địa điểm triển khai thực hiện mô hình. Căn cứ vào nội dung và yêu cầu của mô hình đề ra, trạm đã phối hợp với Ban Phát triển xã, Hội Nông dân xã tích cực vận động bà con chăn nuôi tham gia thực hiện mô hình. Kết quả đã chọn được 25 hộ đủ điều kiện trong tổ nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò ở xã Quảng Sơn, mỗi hộ thực hiện trồng thử nghiệm 200m2 cỏ giống Mobasa ghine và CFPM 101, trong đó có 11 hộ trồng trên đất rẫy và 14 hộ trồng trên đất vườn.

Tham gia mô hình, 25 hộ trồng cỏ được dự án hỗ trợ tổng cộng 4,1kg cỏ giống (cho diện tích trồng 0,5ha), 2 tấn phân chuồng, 200kg phân urê, 150kg phân lân, 100kg phân kali và thuốc bảo vệ thực vật cho toàn bộ diện tích trồng. Ngoài ra, các hộ còn được Trung tâm KN tỉnh tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cỏ Mobasa ghine và CFPM 101 gồm các nội dung như: Cách trồng, chăm sóc, bón phân, thu cắt cỏ cho gia súc ăn; kỹ thuật ủ chua cỏ để dự trữ làm thức ăn cho gia súc vào mùa khô hạn. Tuy thời tiết không thật sự thuận lợi cho việc thực hiện mô hình, nhưng dưới sự chỉ đạo sâu sát của cán bộ kỹ thuật, các hộ nông dân đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất cỏ bình quân của mô hình đạt được 2,3kg/m2/lần cắt và 11,5 tấn/5.000m2/ lần cắt. Với năng suất này đã góp phần giải quyết thức ăn cho gia súc của các hộ tham gia mô hình. Ngoài ra, đây là giống cỏ có chất lượng dinh dưỡng cao, thân mềm, rất thích hợp để chăn nuôi vỗ béo cho nhiều đối tượng nuôi, nên đa số hộ tham gia mô hình đang giữ lại làm giống, từng bước nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo.

Chúng tôi có dịp cùng đi với đoàn cán bộ Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh (PCU) và Trung tâm KN tỉnh, đến tham quan mô hình của ông Nguyễn Khoái ở thôn Hạnh Trí 2 (Quảng Sơn), 1 trong 25 hộ trồng cỏ nói trên. Ngoài 200m2 cỏ trồng mô hình, ông Khoái hiện có 10 con bò nuôi và trồng 1 sào cỏ. Theo kinh nghiệm của ông, với 10 con bò chỉ cần trồng 2 sào cỏ, cộng với chăn thả trên đồng cỏ tự nhiên là cung cấp đủ thức ăn. Đối với mô hình, ông đề xuất dự án tiếp tục đưa về giống cỏ mới để trồng đối chứng, chọn lựa được giống cỏ thực sự chịu được khô hạn trên vùng đất đồi Quảng Sơn. Bởi trong khi các loại như cỏ voi, cỏ VA06, cỏ lông tây… dễ trồng, năng suất cao thì cỏ Mobasa ghine và CFPM 101 sinh trưởng chậm hơn, thêm nữa vì là giống cỏ lai chủ yếu trồng bằng hạt nên khả năng nhân rộng mô hình sẽ hạn chế. Từ thực tế này, theo anh Võ Thái Tuấn, Phó Giám đốc PCU, để giải quyết thức ăn cho gia súc vào mùa khô hạn, nên nhân rộng mô hình bằng cách trồng cỏ VA06, cỏ lông tây chứ không nhất thiết chỉ tập trung vào các giống cỏ của mô hình thử nghiệm.

Nhìn chung, mô hình “Trồng cỏ chịu hạn làm thức ăn cho gia súc gắn với tổ nhóm của dự án” ở Quảng Sơn đã đạt được hiệu quả bước đầu, giúp nâng cao nhận thức người dân trong ứng phó với hạn hán, góp phần giải quyết được tình trạng thiếu thức ăn cho gia súc. Vì vậy, Trung tâm KN tỉnh đề nghị địa phương có kế hoạch phát triển nhân rộng mô hình nhằm chủ động nguồn thức ăn cho gia súc vào mùa khô hạn, nâng cao chất lượng đàn gia súc, góp phần tăng thu nhập và ổn định cuộc sống cho người dân vùng dự án.