DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Xóm Bằng chú trọng nâng cao chất lượng đàn bò

(NTO) Xóm Bằng là thôn khó khăn nhất xã Bắc Sơn (Thuận Bắc). Toàn thôn có 578 hộ/2.994 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai, cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên do điều kiện tự nhiên không thuận lợi nên năng suất cây trồng đạt thấp. Tổng diện tích đất nông nghiệp toàn thôn có 288ha; trong đó, ruộng một vụ lúa tưới từ hệ thống đập Tà Lốc, Cây Sung, Bà Rợ 88ha, số còn lại đất rẫy trồng bắp, đậu… phụ thuộc vào nước trời.

Thời gian qua, từ các chương trình, chính sách của Nhà nước đối với khu vực miền núi, huyện Thuận Bắc đã ưu tiên xây dựng nhiều công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tiêu biểu là công trình cầu Đồng Nha thông thương thôn Xóm Bằng với vùng đồng bằng; các công trình đập dâng đưa nước vào ruộng phục vụ sản xuất. Tuy vậy, do nằm trên sườn núi, đầu nguồn suối Đồng Nha nên về mùa mưa thường có lũ, mùa nắng thiếu nước sản xuất, từ vụ hè-thu năm 2014 đến nay không có mưa nên hoạt động trồng trọt bị ngưng trệ.

Bò giống được DASU huyện Thuận Bắc hỗ trợ Nhóm cùng sở thích nuôi bò thôn Xóm Bằng.

Trước thực tế khó khăn, cấp ủy và chính quyền địa phương xác định, để hướng tới mục tiêu xóa nghèo bền vững, phải khai thác được lợi thế khu vực miền núi để phát triển chăn nuôi gia súc. Theo khảo sát của Ban Phát triển xã Bắc Sơn, toàn thôn Xóm Bằng có trên 360 hộ chăn nuôi 1.200 con bò và 500 con dê, cừu. Những năm gần đây, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con đã tận dụng một số diện tích đất ven sông, suối trồng cỏ chăn nuôi, nhờ đó tổng đàn gia súc ngày càng tăng. Chị Mang Thị Điền, Trưởng Ban Quản ký thôn, cho biết: Chăn nuôi ở thôn thuận lợi nhờ có khu vực chăn thả tự nhiên dọc theo các triền núi, nông dân biết sử dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp như lá, thân cây đậu, bắp và các loại hoa màu khác làm thức ăn cho gia súc. Tuy nhiên, hoạt động chăn nuôi vẫn còn hạn chế, tỷ lệ bò lai sind thấp nên trọng lượng và chất lượng thịt chưa cao. Các hộ nuôi nhỏ lẻ, chậm tiếp cận kỹ thuật mới, thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm... là những tồn tại kéo dài nhiều năm.

Khắc phục hạn chế trên, tháng 6-2013, từ sự hỗ trợ của Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông, thôn thành lập Nhóm cùng sở thích nuôi bò với 25 thành viên; trong đó, 15 hộ nghèo, số còn lại là trung bình và cận nghèo. Từ khi đi vào hoạt động, anh Mang Tuấn, Nhóm trưởng, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò do Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp huyện (DASU) tổ chức để truyền đạt cho các thành viên trong nhóm. Anh đi đầu áp dụng mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi, làm gương cho các thành viên làm theo. Trên 2ha đất rẫy, vụ hè-thu 2014, anh đã đầu tư đào hồ lấy nước trồng cỏ chăn nuôi, từ đó đến nay đảm bảo không thiếu thức ăn cho bò, kể cả trong mùa hạn hán.

Nhằm đáp ứng nguyện vọng cải tạo chất lượng đàn bò của nhóm, cuối năm 2013, DASU huyện hỗ trợ nhóm 2 con bò giống đực. Đến nay, bò giống đực nuôi ở hộ anh Mang Tuấn đã phối giống cho hầu hết bò cái của các thành viên trong nhóm. Chị Thị Liên, thành viên nhóm cùng sở thích, cho biết: Bê lai mới sinh có trọng lượng nặng gấp rưỡi so với bê địa phương, kháng bệnh tốt, không kén thức ăn và tăng trọng nhanh. Nhờ được hỗ trợ giống bò đực, tỷ lệ bò lai sind của nhóm tăng từ 30% năm 2013 lên 40% hiện nay, chất lượng đàn bò được cải thiện đáng kể, tổng số 60 con bò của 25 thành viên đều phát triển tốt.

Để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho các thành viên, nhóm đã lập kế hoạch mở rộng phát triển chăn nuôi. Trước mắt là thống nhất trồng cỏ tập trung, xây dựng chuồng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Anh Mang Tuấn chia sẻ: Thuận lợi lớn nhất của nhóm trong phát triển chăn nuôi là qua tuyên truyền ý thức của các thành viên đã có chuyến biến tích cực. Các hộ mạnh dạn đầu tư đào giếng, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Nhờ chủ động nước tưới, vụ đông-xuân 2015-2016, các hộ đã trồng đậu xanh, bắp, vừa tạo thêm thu nhập trong mùa hạn hán, vừa tận dụng thân và lá cây làm thức ăn cho bò. Với cách tổ chức chăn nuôi hợp lý, chú trọng cải tạo chất lượng đàn, dự kiến đến cuối năm nay, tỷ lệ bò lai sind của nhóm sẽ đạt 50%.