DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Sở Khoa học và Công nghệ Đồng hành cùng doanh nghiệp

(NTO) Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp (DN) để nâng cao năng lực cạnh tranh, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tạo điều kiện cho các tổ chức, DN áp dụng công trình khoa học vào sản xuất đạt được kết quả khả quan.

Công ty TNHH Mămta thành lập năm 2013, sản xuất, kinh doanh mặt hàng nước mắm. Sau 2 năm hoạt động, công ty gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp. Nhằm giúp người tiêu dùng biết đến sản phẩm rộng rãi hơn, năm 2015, Sở KH&CN hỗ trợ công ty đăng ký thương hiệu sản phẩm chất lượng, tham gia hội chợ Techmart. Từ đó, sản phẩm nước mắm của công ty được người tiêu dùng trong cả nước biết đến và sử dụng nhiều hơn. Trước tình hình hoạt động sản xuất không thuận lợi, nhiều đơn vị đứng trước nguy cơ phá sản, chương trình hỗ trợ về KH&CN đã tiếp thêm sức mạnh và động lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, giành được thị phần trong và ngoài nước. Bà Nguyễn Thanh Duyên, kế toán Công ty TNHH Mămta, cho biết: Từ khi được hỗ trợ đăng ký thương hiệu chất lượng cao, doanh số bán ra của công ty tăng vọt.

Rau an toàn Văn Hải là nhãn hiệu tập thể tạo được uy tín trên thị trường. Ảnh: U.T

Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, thiếu quy mô, chất lượng không đảm bảo, đầu ra hẹp, sau khi được Sở KH&CN hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể vào năm 2015, sản phẩm nho của Hợp tác xã Nho VietGAP Văn Hải (phường Văn Hải, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) đã khẳng định được vị thế trên thị trường. Ông Nguyễn Văn Bảnh, Giám đốc HTX, cho biết: HTX có 35 thành viên liên kết sản xuất nho sạch, quy mô 90 ha. Nhờ sớm xây dựng được thương hiệu, nên sản phẩm nho của HTX được tiêu thụ rộng khắp trong cả nước, giá cao hơn so với phương thức canh tác truyền thống trước đây.

Đồng chí Phạm Thanh Hưng, Trưởng phòng Quản lý công nghệ chuyên ngành (Sở KH&CN), cho biết: Chương trình hỗ trợ các tổ chức, DN giai đoạn 2011-2015 có sự tăng vượt trội về số lượng so với giai đoạn trước. Trong 5 năm, có 80 DN được hỗ trợ kinh phí gần 1,5 tỷ đồng cho hoạt động chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất; xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, Bộ KH&CN đã hỗ trợ cho tỉnh hơn 2 tỷ đồng để triển khai 3 dự án phát triển tài sản trí tuệ phục vụ công tác quảng bá sở hữu trí tuệ phục vụ DN. Qua đó, đã có 5 DN xây dựng dự án ứng dụng chuyển giao công nghệ trong sản xuất, 57 DN vừa và nhỏ, các cơ sở kinh doanh đăng ký xác lập bảo hộ nhãn hiệu thông thường, kiểu dáng công nghiệp. Đến nay, tỉnh ta đã xây dựng được 7 nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm đặc thù, 2 sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận. Chương trình hỗ trợ DN đã góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về vai trò của KH&CN trong hoạt động sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực tế cho thấy, nhiều DN, HTX sau khi đăng ký và được bảo hộ nhãn hiệu, đã mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm, ký được các hợp đồng liên kết cung ứng sản phẩm cho các hệ thống siêu thị. Một số DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với các sản phẩm đặc thù của địa phương, sau khi xây dựng và được xác lập bảo hộ sản phẩm, đã tham gia hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp, tạo sự liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm ngày càng hiệu quả hơn.

Đồng chí Phạm Thanh Hưng, cho biết thêm: Chương trình hỗ trợ DN về KH&CN trong thời gian qua đã có những ảnh hưởng tích cực đến hoạt động DN. Giai đoạn 2016-2020, chương trình hướng đến mục tiêu nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ trong các DN. Từng bước nâng cao, gia tăng các hoạt động bảo hộ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trong hoạt động kinh doanh của DN; hỗ trợ xúc tiến tham gia thị trường, áp dụng công nghệ quản lý DN.

Đăng ký phát triển chỉ dẫn địa lý sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận

UBND tỉnh vừa ủy quyền cho Sở Khoa học và Công nghệ đăng ký, quản lý phát triển chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm thịt cừu của tỉnh.

Theo đó, giao Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý đúng theo quy định. Được biết, sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận luôn được đánh giá cao về chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng do được chăn thả trong môi trường tự nhiên và đặc thù khí hậu nắng gió quanh năm. Tuy nhiên, việc tạo dựng thương hiệu sản phẩm còn hạn chế nên giá trị hàng hóa và lượng tiêu thụ sản phẩm thị cừu còn thấp và thiếu ổn định. Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý gắn với quảng bá sản phẩm thịt cừu sẽ góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm đặc trưng của tỉnh, nâng cao danh tiếng, uy tín, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, giúp người chăn nuôi cừu tiếp tục phát triển nghề.

Hiện toàn tỉnh có đàn cừu khoảng 90 ngàn con, tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Sơn, Ninh Hải, Thuận Nam và Thuận Bắc. Theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nông nghiệp của tỉnh, đến năm 2020, quy mô đàn cừu sẽ tăng lên 190 ngàn con.

Anh Tuấn