Lá cờ Tổ quốc và trường học

(NTO) Trong lần đưa con đi học, dắt cháu ngang qua sân trường tới lớp, bất chợt bé ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió, hỏi như trách móc: Ông gió làm cờ trường con cũ, rách hết rồi!? Ừ, để ba gặp báo cô hiệu trưởng thay lá cờ mới. Nói vậy nhưng sau khi đưa con vào lớp, do bận công việc, tôi thẳng đến cơ quan. Thoắt cái đã sáu tháng trôi qua, tôi mới chợt nhớ tới lời hứa với cháu về lá cờ.

Cô hiệu trưởng nơi con tôi học vốn lớn lên cùng khu phố, sau khi lập gia đình chuyển về trung tâm thành phố sinh sống. Có lẽ do quen biết nhau từ nhỏ, nên chúng tôi chuyện trò khá cởi mở. Cô bảo, con bé nhà ông hiếu động lắm, học giỏi, viết chữ đẹp đoạt giải Nhì cấp trường, thi vẽ tranh an toàn giao thông đoạt giải Khuyến khích toàn thành phố…, không biết nó mang gien cha hay mẹ đây. Thế cô thấy cháu giống ai? Nhưng có lẽ là nhờ cháu được học tập ở ngôi trường nhất, nhì thành phố và có cô hiệu trưởng xinh đẹp, giỏi giang dạy dỗ. Cô cười, người nịnh phụ nữ giỏi như ông chỉ làm khổ phái đẹp. À, mà người ham công tiếc việc như ông ghé tôi hẳn có việc gì phải không? Chỉ chờ có vậy, tôi vào đề: Ừ, tôi hứa với cháu chuyện báo cô lá cờ Tổ quốc của nhà trường, may mà cháu cũng quên. Cô nhìn qua cửa sổ thấy lá cờ cũ như gắn tua đang bay bay trên cột cờ ở sân trường giọng chùng xuống: Không hiểu sao em vô tâm đến thế! Như người biết lỗi, cô tâm sự: Chúng em đã phấn đấu biết bao nhiêu năm để xây dựng nên ngôi trường tiểu học chất lượng, được xã hội, cha mẹ học sinh thừa nhận. Có khó khăn nào thầy trò của trường không vượt qua, nhưng việc tưởng như dễ nhất thì chưa thực hiện tốt. Rồi cô quả quyết: Cảm ơn phát hiện của anh, em sẽ giao việc này cho cô giáo Tổng phụ trách Đội và ngay sáng nay sẽ cho thay lá cờ Tổ quốc mới thật đẹp. Về phần mình, cô cho biết sẽ trực tiếp nhận thiếu sót với các em học sinh vào giờ chào cờ đầu tuần tới!

 
 
 
Nghi thức chào cờ Tổ quốc tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Ảnh: Sơn Ngọc

Không giải thích gì nhưng tôi hiểu cô hiệu trưởng nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của lá cờ sao vàng năm cánh trong việc giáo dục học sinh về lòng yêu nước. Hình ảnh mỗi sáng thứ hai đầu tuần, học sinh, giáo viên toàn trường đứng nghiêm trang chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca. Sau đó, những thành tích, việc làm tốt và chưa tốt được cô trò báo cáo dưới cờ, các lớp dẫn đầu thi đua khối lớp, học sinh xuất sắc tiêu biểu, gương học trò làm việc tốt đều được vinh danh dưới cờ. Thời gian cứ trôi đi và ngẫu nhiên lá cờ Tổ quốc tại sân trường đã chứng kiến sự trưởng thành của biết bao thế hệ học sinh để rồi sau này mỗi khi nhớ về trường sẽ là những kỷ niệm ngọt ngào, thân thương thời áo trắng học trò. Và nếu như ai đó ở chân trời, góc bể xa xôi nào, nhất là trong những thời khắc khó khăn, hy sinh gian khổ thì hình ảnh lá cờ Tổ quốc sẽ trở nên linh thiêng hơn bao giờ hết, giúp ta thêm sức mạnh vượt lên hoặc khi được vinh danh sẽ thêm tự hào về dân tộc, đất nước mình.

Có thể thấy qua sách vở, báo chí, lịch sử không khó để mỗi chúng ta tìm được những hình ảnh thiêng liêng về lá cờ Tổ quốc. Từ anh chiến sĩ cầm lá cờ đỏ sao vàng phất tung bay trên nóc hầm tướng Đờ-cát-tơ-ri trong Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đến anh giải phóng quân đã hạ lá cờ 3 que trên nóc Dinh Độc Lập xuống, kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên vào trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975. Nhưng có lẽ hình ảnh các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đứng thành vòng tròn quanh lá cờ Tổ quốc, hy sinh bảo vệ lá cờ biểu tượng của đất nước trong cuộc chiến đấu không cân sức với kẻ thù vào ngày 14 tháng 3 năm 1988 tại đảo Gạc Ma thuộc huyện đảo Trường Sa đã chứng minh cho sự linh thiêng bất tử của lá cờ đỏ sao vàng năm cánh. Việc treo cờ Tổ quốc trong mỗi trường học sẽ có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước đối với các em học sinh, những mầm non tương lai của đất nước về Tổ quốc Việt Nam anh hùng. Và hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trong gió ở mỗi trường học không chỉ là niềm tự hào mà còn góp phần tô đẹp thêm không gian thanh bình của quê hương, đất nước.