Sự kiện quốc tế nổi bật trong tuần

Hội nghị Hội đồng Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Thế giới khai mạc tại Hà Nội vào ngày hôm nay (5/3) đang là sự kiện thu hút sự chú ý của truyền thông và dư luận quốc tế cũng như trong khu vực.

Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tiếp ông George Mavrikos,
Tổng thư ký Liên hiệp Công đoàn Thế giới

1 - Khai mạc Hội nghị Hội đồng Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Thế giới

Hội nghị là dịp các lãnh đạo công đoàn các nước trên thế giới thảo luận về hoạt động của Liên hiệp Công đoàn Thế giới trong năm 2015, đề ra phương hướng hoạt động năm 2016, chia sẻ thông tin về tình hình lao động và bàn các biện pháp nhằm đảm bảo việc làm và cuộc sống cho người lao động. Ngoài nội dung trên, hội nghị lần này nhằm bàn thảo Kế hoạch hoạt động năm 2016 của Liên hiệp Công đoàn Thế giới, hướng tới Đại hội Công đoàn Thế giới lần thứ 17.

Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Thế giới cho biết: 71 năm qua, Liên hiệp Công đoàn Thế giới đã trở thành trung tâm công đoàn quốc tế lớn nhất đại diện cho lực lượng lao động và công đoàn tiến bộ trên thế giới với 92 triệu đoàn viên thuộc 126 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự tồn tại, phát triển và ngày càng lớn mạnh của Liên hiệp Công đoàn Thế giới là minh chứng hùng hồn về tình đoàn kết của công nhân lao động toàn thế giới trong việc đấu tranh để xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, bình đẳng, hợp tác cùng phát triển. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong Liên hiệp Công đoàn Thế giới, nỗ lực phấn đấu cho các mục tiêu đấu tranh vì quyền và lợi ích của người lao động.

Ông Đặng Ngọc Tùng tin tưởng hội nghị lần này là hội nghị của hành động, biến các ý tưởng, nghị quyết thành hành động cụ thể và thiết thực, góp phần nâng cao hơn nữa vai trò, uy tín của Liên hiệp Công đoàn Thế giới trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc mang tính toàn cầu của người lao động. Hội nghị còn chuẩn bị, đóng góp vào sự thành công của Đại hội Công đoàn Thế giới lần thứ 17 sẽ được tổ chức tại Nam Phi tháng 10/2016.

Tổng thư ký Liên hiệp Công đoàn Thế giới George Mavrikos cho biết, với hội nghị lần này tại Hà Nội, Liên hiệp Công đoàn Thế giới chính thức khởi động các hoạt động hướng tới Đại hội Công đoàn Thế giới lần thứ 17.

Tại Hội nghị, đại diện công đoàn các quốc gia thành viên đã thông tin về công tác chuẩn bị phục vụ việc tổ chức Đại hội lần thứ 17 và Dự thảo Kế hoạch hoạt động năm 2016 của Liên hiệp Công đoàn Thế giới.

Hội nghị Hội đồng Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Thế giới diễn ra trong 2 ngày 5 - 6/3.

2 - Hội nghị Bộ trưởng G20

Trong hai ngày 26 và 27-2, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Trung Quốc. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều thách thức, hội nghị đã tập trung thảo luận về các vấn đề nhằm thúc đẩy phối hợp chính sách và tìm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới.

Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 đã ra tuyên bố chung cam kết thực thi mọi công cụ chính sách hiện có để thúc đẩy đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Trong tuyên bố chung, G20 nhận định kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi song "không đồng đều và không đáp ứng được tham vọng của các nước về một sự tăng trưởng cân bằng, bền vững và mạnh mẽ". Vì vậy, hội nghị G20 nhất trí cần hành động nhiều hơn để đạt được các mục tiêu chung đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các Bộ trưởng cam kết áp dụng "tất cả các công cụ chính sách hiện hành" như chính sách tiền tệ, tài chính và cơ cấu để thúc đẩy niềm tin của giới đầu tư, cũng như bảo vệ và củng cố đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. G20 lưu ý tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ không đồng đều nếu chỉ áp dụng chính sách tiền tệ đơn lẻ mà cần thực thi chính sách tài chính "linh hoạt".

Các nhà phân tích cho rằng, rất nhiều nguy cơ gây bất ổn cho kinh tế thế giới đã được đề cập tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 lần này nhưng việc tìm được một cơ chế để các quốc gia thúc đẩy sự phối hợp về chính sách nhằm hỗ trợ tăng trưởng lành mạnh vẫn còn là vấn đề nan giải.

3 - Tổng thống Ai Cập công du 3 nước châu Á

Từ ngày 26-2 đến 4-3, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã có chuyến công du 3 nước châu Á gồm Kazakhstan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là chuyến thăm châu Á lần thứ ba của ông al-Sisi, sau khi tới thăm Singapore và Indonesia trong tháng 8-2015 và Trung Quốc vào cuối năm 2014.

Tại Kazakhstan, hai bên đã thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương cũng như các nỗ lực chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Ở Nhật Bản, hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế và chống khủng bố, trong đó Nhật Bản cam kết sẽ cho Ai Cập vay 41,1 tỷ yên (360 triệu USD) với lãi suất thấp để cải thiện ngành điện lực.

Tại chặng dừng chân cuối cùng Hàn Quốc, hai nước nhất trí tăng cường hợp tác phát triển các công trình hạ tầng cơ sở trị giá 3,6 tỷ USD, mở đường cho Hàn Quốc tiến vào đất nước đang phát triển nhanh ở khu vực Bắc Phi này. Hai bên cũng chứng kiến lễ ký 9 bản ghi nhớ về việc Hàn Quốc tham gia các dự án hạ tầng cơ sở như kênh đào và các tuyến tàu điện ngầm ở Ai Cập.

Giới phân tích cho rằng, chuyến thăm châu Á của Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế và tăng cường chống khủng bố của Ai Cập.

4- Phe của Tổng thống Rouhani chiến thắng trong cuộc bầu cử Iran

Ngày 29-2, theo kết quả bầu cử vòng một Quốc hội Iran khóa 10 và cuộc bầu cử Hội đồng Chuyên gia khóa 5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani và các đồng minh của ông đã giành 15 trên tổng số 16 ghế của thủ đô Tehran trong Hội đồng Chuyên gia có vai trò giám sát tối cao ở Iran.

Theo đó, Tổng thống Rouhani đứng vị trí thứ ba và đồng minh của ông là cựu Tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani đứng vị trí đầu tiên trong danh sách 16 nhân vật trúng cử Hội đồng Chuyên gia ở Tehran. Nhân vật bảo thủ duy nhất trúng cử là ông Ahmad Jannati , đứng ở vị trí thứ 16 trong danh sách trúng cử. Kết quả trên cho thấy phe bảo thủ có thể mất sự thống trị trong Hội đồng Chuyên gia - hội đồng giáo sĩ gồm 88 thành viên có chức năng bầu chọn và bãi nhiệm Đại Giáo chủ cũng như giám sát hoạt động của lãnh tụ tinh thần của Iran, vị trí quyền lực tối cao của nước này.

Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội được công bố ngày 28-2 cũng cho thấy, phe cải cách đồng minh của Tổng thống Rouhani cũng giành được toàn bộ 30 ghế đại diện cho thủ đô Tehran tại Quốc hội. Đây được coi là thắng lợi quan trọng góp phần định hình chính sách và tương lai của quốc gia Hồi giáo.

Theo giới phân tích, cuộc bầu cử lần này là bước ngoặt đối với Iran và là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của người dân đối với chính quyền của Tổng thống Rouhani. Ngoài khía cạnh chính trị, cuộc tổng tuyển cử tại Iran lần này còn cho thấy khát vọng đổi mới của cử tri Iran. Rất nhiều cử tri trẻ tuổi đã chọn ông Rouhani bởi họ tin rằng trong thời buổi toàn cầu hóa hiện nay, chỉ có mở cửa, cải cách mới đem lại cơ hội phát triển cho Iran.

5 - "Siêu thứ Ba" định hình cuộc đua “song mã” trong bầu cử tại Mỹ

Ngày 1-3, không nằm ngoài dự đoán, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và "ông trùm" bất động sản Donald Trump (Đô-nan Trăm) đã đại thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra tại 11 bang và một vùng lãnh thổ của Mỹ trong ngày "Siêu thứ Ba" (Super Tueday) mang ý nghĩa quyết định.

Như vậy, chỉ tính riêng trong ngày "Siêu thứ Ba", cựu Ngoại trưởng Clinton đã giành được ít nhất 441 suất đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ, nâng tổng số ghế đã nhận được lên ít nhất 984. Bên phía đảng Cộng hòa, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy tỷ phú Donald Trump tiếp tục dẫn đầu tại hai bang là Arkansas và Vermont. Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, "ông trùm" bất động sản đã giành được thêm 186 ghế đại biểu trong ngày 1-3, nâng tổng số ghế đại biểu giành được cho đến nay lên ít nhất 268 ghế tham dự Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa.

Hiện còn quá sớm để dự đoán ai sẽ trở thành người chèo lái nước Mỹ trong 5 năm tới khi cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống Mỹ chỉ vừa mới bắt đầu. Tuy nhiên, với việc cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và tỷ phú Donald Trump giành chiến thắng vang dội trong ngày “Siêu thứ Ba”, cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới chắc chắn sẽ là cuộc đua “song mã” giữa hai ứng cử viên này.

6 - Liên hợp quốc thắt chặt lệnh trừng phạt CHDCND Triều Tiên

Ngày 2-3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm 15 thành viên đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với CHDCND Triều Tiên để đáp lại vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa mang theo vệ tinh lên quỹ đạo trong thời gian vừa qua của Bình Nhưỡng.

Theo Nghị quyết, lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các chuyến hàng tới và rời CHDCND Triều Tiên sẽ bị thanh sát, đồng thời thắt chặt lệnh cấm vận vũ khí để cản trở cả những nhà cung cấp vũ khí loại nhỏ giao dịch với Triều Tiên. Văn kiện này cũng cấm CHDCND Triều Tiên xuất khẩu than, quặng, vàng, titan và khoáng sản đất hiếm đồng thời cấm các quốc gia cung cấp cho nước này nhiên liệu dùng trong ngành hàng không… Văn kiện cũng bổ sung vào danh sách đen 17 cá nhân và 12 thực thể CHDCND Triều Tiên. Tất cả những đối tượng này đều bị phong tỏa tài sản và bị cấm đi lại. Nghị quyết cũng yêu cầu nối lại các cuộc đàm phán sáu bên để tiến tới "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo cách hòa bình và có thể kiểm chứng được".

Sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết trừng phạt mới đối với CHDCND Triều Tiên, dư luận quốc tế đã hoan nghênh và bày tỏ hy vọng động thái này sẽ giúp nối lại các vòng đối thoại hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi Nghị quyết trên được thông qua, CHDCND Triều Tiên đã bắn 6 vật thể tầm ngắn ra bờ biển phía Đông nước này, đồng thời cho rằng Nghị quyết trên đe dọa chủ quyền của quốc gia này. Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un còn ra lệnh cho quân đội nước này sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân "bất cứ thời điểm nào" vì mục đích quốc phòng.

7- Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế hẹp ASEAN

Ngày 3-3, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế hẹp Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 22 (AEM Retreat 22) diễn ra tại Chiềng Mai, Thái Lan. Hội nghị đã đồng thuận về nhiều nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy việc xây dựng thành công Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025, thúc đẩy đàm phán thành công Hiệp định đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và tăng cường trao đổi thông tin giữa các nước ASEAN về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tại hội nghị, các Bộ trưởng và quan chức cấp cao kinh tế ASEAN đã thống nhất chỉ đạo các quan chức kinh tế ASEAN tập trung nội lực để thực hiện nốt 136 biện pháp còn lại của lộ trình xây dựng AEC. Về việc thực hiện Tầm nhìn 2025, các Bộ trưởng đề ra ưu tiên là các bộ, ngành tập trung xây dựng các kế hoạch hành động để các Bộ trưởng Kinh tế thông qua vào Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế vào tháng 8-2016 và triển khai thực hiện…

Bên cạnh đó, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Đại diện cấp cao về thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom đã tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác kinh tế nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế giữa hai khu vực. Đặc biệt, hai bên tái khẳng định cam kết hợp tác để tiến tới Hiệp định thương mại tự do ASEAN - EU, chỉ đạo các quan chức kinh tế cấp cao hai bên nỗ lực hợp tác và đưa ra các đề xuất trong hội tham vấn lần tới những bước đi hợp lý nhằm tiến tới Hiệp định Tự do thương mại này…

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam