Vấn đề hôm nay:

Tưới tiết kiệm cũng là chống hạn!

(NTO) Theo các chuyên gia phân tích, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã ngày càng trở nên hiển hiện và tác động xấu đến sản xuất, làm cho đời sống của không ít nông hộ rơi vào hoàn cảnh khó khăn do thiếu việc làm, thu nhập giảm...

Chỉ tính riêng tỉnh ta, từ năm 2015 đến nay hạn hán đã kéo dài với mức độ khốc liệt hơn, dự báo đến tháng 6-2016 mới có thể vãn hồi, còn nếu không có thể phải đến tháng 9... Cho nên, việc chống hạn không thể chỉ nhìn trước mắt mà phải có tầm nhìn lâu dài và cần xác định tâm thế sẽ ”sống chung với hạn” như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo!.

Có nhiều giải pháp để "đồng hành” với hạn hán, trong đó giải pháp tưới tiết kiệm nước thông qua chuyển đổi cây trồng phù hợp được cho là rất có hiệu quả. Đặc biệt, cần chuyển một phần diện tích lúa sang các cây trồng cạn khác. Bởi lẽ, theo tính toán nếu sản xuất 1ha lúa phải cần đến gần 10.000 m3 nước, trong khi cũng chừng đó diện tích nếu trồng bắp thì chỉ cần trên dưới 3.000m3 nước, trồng cỏ sử dụng nước ít hơn 1.000m3 so trồng bắp...

Đó là chưa nói đến lãng phí nước đối với cây lúa không dưới 50%, còn đối với một số cây trồng cạn con số này 30% mà thôi!. Trong năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các địa phương tổ chức chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bố trí cây trồng nhu cầu sử dụng nước tưới tiết kiệm, chịu hạn gần 2.060 ha từ đất trồng những vùng không chủ động nguồn nước, vùng cuối kênh và đất trồng cây màu sang cây trồng cạn như: nho, dưa hấu, đậu xanh, bắp lai, cỏ chăn nuôi và áp dụng tưới tiết kiệm, trong số này diện tích chuyển từ đất trồng lúa gần 1.230 ha. Theo đánh giá hiệu quả bước đầu cho thấy, việc chuyển đổi này đã giúp nông dân chủ động tổ chức sản xuất trong điều kiện nắng hạn, thiếu nguồn nước tưới nhưng vẫn cho thu nhập, tạo ra nguồn phụ phẩm giải quyết thức ăn cho gia súc; hạn chế tình trạng bỏ hoang ruộng đất, chống hoang mạc hóa. Đối với người chăn nuôi đã có ý thức trong việc dành quỹ đất để chủ động trồng cỏ, tạo nguồn thức ăn phù hợp với quy mô đàn gia súc của mình. Kết quả là mặc dù hạn hán kéo dài nhưng đàn gia súc của tỉnh vẫn tăng 14,4% so với cùng kỳ 2014. Không những vậy, cũng từ những mô hình chuyển đổi nông dân đã tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, vận dụng vào thực tiễn sản xuất mang lại hiệu quả cao. Đơn cử như, mô hình cây đậu xanh mang lại lợi nhuận trên 17 triệu đồng/ha, cao hơn trên 9 triệu đồng so làm lúa; cây bắp lai lợi nhuận trên 12 triệu đồng/ha, cao hơn cây lúa trên 4,5 triệu đồng... Đây là cơ sở để chính quyền địa phương vận động, khuyến khích nông dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tiết kiệm nước, có hiệu quả phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu của tỉnh.

 

Theo kế hoạch trong năm 2016 này các địa phương tiếp tục chuyển đổi gần 1.200 ha. Trong đó đất lúa trên 930ha và đất trồng màu trên 260 ha thuộc các vùng sản xuất phụ thuộc nguồn nước từ các hồ chứa trên địa bàn thường xuyên thiếu nước, không đảm bảo tưới đến cuối vụ và đối tượng cây trồng chuyển đổi chủ yếu là bắp, đậu xanh và cỏ chăn nuôi. Trong số này, nhiều nhất là đậu xanh gần 890 ha, bắp 205 ha, cỏ chăn nuôi 85ha...

Vấn đề đặt là các địa phương cần tạo đồng thuận trong nông dân bằng việc tăng cường tuyên truyền, giới thiệu nhân rộng các mô hình hay, mô hình cây trồng chuyển đổi có hiệu quả để người dân nắm bắt, thực hiện. Ngoài ra, yếu tố hết sức căn cơ đó là cần tổ chức, hình thành tổ hợp tác để kết nối, ký kết và lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia liên kết đánh giá, khảo sát vùng đất dự kiến bố trí cây trồng chuyển đổi; cung ứng giống, vật tư đầu vào và cam kết bao tiêu sản phẩm, ổn định lâu dài tiêu thụ sản phẩm chuyển đổi cho nông dân...