Khoảnh khắc & Sự kiện 27-2

* Ngày 27-2: Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Vào ngày 27-2-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho ngành y tế. Người căn dặn các bác sĩ, dược sĩ, y tá, hộ lý… phải chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt, coi họ đau đớn như mình đau đớn... Từ đó, ngày 27-2 được lấy làm ngày Thầy thuốc Việt Nam. Thực hiện lời dạy của Bác, trong hơn 60 năm qua, ngành Y tế Việt Nam đã không ngừng phát triển và trưởng thành về mọi mặt, từ tổ chức mạng lưới đến chất lượng trong công tác phòng và chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng như: can thiệp tim mạch, thụ tinh ống nghiệm, phẫu thuật nội soi, kỹ thuật ghép tạng… Nhờ đó, nhiều bệnh nguy hiểm đã được điều trị có hiệu quả; sức khỏe của người dân được cải thiện đáng kể, tuổi thọ trung bình của người dân năm 2015 đạt 73,3 tuổi.

 
Phòng mổ với thiết bị phẫu thuật có sử dụng robot.

* Ngày 27-2-2014: Khánh thành Trung tâm ứng dụng robot trong phẫu thuật nội soi. Ưu điểm của hệ thống phẫu thuật nội soi bằng robot so với phương pháp nội soi thông thường là tính chính xác cao, đặc biệt an toàn và đem lại hiệu quả cao đối với những bệnh lý phức tạp như: u nang ống mật chủ, teo đường mật, phình đại tràng bẩm sinh, thận ứ nước… do vùng phẫu thuật được thu hẹp, ít xâm lấn, ít chảy máu và bệnh nhân khỏi bệnh nhanh, rút ngắn thời gian sau mổ. Tính đến cuối tháng 9-2015, gần 2 năm sau khi Trung tâm ứng dụng robot trong phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Nhi Trung ương được đưa vào hoạt động, đã có khoảng 80 bệnh nhân được phẫu thuật bằng phương pháp này. Thành công này đánh dấu bước phát triển quan trọng của ngành Y tế Việt Nam.

* Ngày 27-2-2012: Nhà leo núi Appa Sherpa được vinh danh "Vua" chinh phục đỉnh Qomolangma. Nhà leo núi huyền thoại của Nepal, Appa Sherpa được tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness trao tặng kỷ lục 21 lần lên đỉnh Qomolangma và được vinh danh là "Vua" chinh phục mái nhà của thế giới. Ông Sherpa, 56 tuổi, bắt đầu leo núi khi còn là một phu khuân vác và hiện đang giữ kỷ lục là người đàn ông duy nhất trên thế giới đã 21 lần chinh phục Qomolangma, đỉnh núi cao nhất thế giới với 8.848 mét so với mực nước biển thuộc dãy Himalaya. Tại lễ trao chứng nhận, Tổng biên tập "Kỷ lục thế giới Ghinét", Craig Glenday, đã ca ngợi ông Sherpa như là một "người hùng thế giới".

* Ngày 27-2-1936: Ngày mất nhà sinh lý học, nhà tư tưởng lỗi lạc người Nga Ivan Petrovich Pavlop. Pavlop sinh ngày 14-9-1849, tại Ryazan, Nga. Ông là người phát triển trường phái sinh lý học tổng hợp và là người sáng tạo ra học thuyết duy vật về hoạt động thần kinh cấp cao. Thông qua học thuyết về phản xạ có điều kiện và hệ thống tín hiệu thứ hai, tức ngôn ngữ, ông đã chứng minh rằng ý thức con người được hình thành trên cơ sở vật chất. Trong hơn 60 năm hoạt động khoa học, ông đã có hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học lớn nhỏ. Nó không chỉ đặt nền móng cho ngành sinh lý học hiện đại mà còn góp phần to lớn cho mọi lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên khác. Năm 1904, ông là nhà sinh lý học đầu tiên trên thế giới được nhận giải thưởng Nobel sinh lý và y khoa.

Theo TTXVN