Đừng để cơ hội “vàng” trôi qua!

(NTO) Đối với ngư dân, vươn khơi với con tàu lớn, vững chãi trước sóng gió và được trang bị hiện đại từ ngư lưới cụ đến các thiệt bị dò tìm đàn cá giữa đại dương mênh mông… luôn là nỗi khát khao và không phải ai cũng “mơ” là được bởi rào cản lớn nhất là tiền vốn để đầu tư những con tàu có giá không dưới chục tỷ đồng này. Để nghề cá phát triển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, ngày 7/7/2014 Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP (NĐ 67)về một số chính sách phát triển thủy sản. Đây được xem là cơ hội “vàng” cho ngư dân cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng được vay nguồn vốn ưu đãi đầu tư tàu lớn, máy lớn, đủ lực để vươn khơi đánh bắt ở các ngư trường xa còn giàu tài nguyên hải sản. Tuy nhiên, do một số quy định tại Nghị định nói trên chưa phù hợp với yêu cầu thực tế của ngư dân nên mới qua một năm thực hiện Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 89/2015/NĐ-CP (NĐ 89) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 và có hiệu lực từ ngày 25/11/2015. Như vậy, một số “điểm nghẽn” của Nghị định 67 đã được tháo gỡ. Đơn cử như, NĐ 89 đã bổ sung đối tượng đóng tàu vỏ vật liệu mới vào đối tượng áp dụng đồng thời ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ vật liệu mới, tàu sắt thì sẽ được ngân hàng kéo dài thời hạn cho vay từ 11 năm lên 16 năm.

Tàu dịch vụ hậu cần đóng mới bằng vỏ Composite của ngư dân Nguyễn Đức Hải (Thanh Hải, Ninh Hải)
được vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ. Ảnh: Văn Miên

Điểm mới nữa là yêu cầu vốn tự có từ 10% (NĐ 67) đã giảm xuống chỉ còn 5% (NĐ 89). Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ lãi suất trong suốt thời hạn vay. Cụ thể, với lãi suất 7%/năm thì chủ tàu vay chỉ phải trả lãi bằng 1%/năm, còn lại ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm. Ngoài ra, ngư dân còn được hỗ trợ hoàn toàn chi phí thiết kế tàu kể cả vỏ tàu gỗ; tạo điều kiện cho ngư dân có nhiều lựa chọn trong nâng cấp tàu như có thể sử dụng máy mới hoặc máy thủy đã qua sử dụng… Chung quy lại, NĐ 89 đã tạo thêm rất nhiều cơ hội không những đối với ngư dân có nhu cầu đóng mới mà ngay cả các trường hợp vay vốn để cải hoán, nâng cấp máy, mua sắm thiết bị hàng hải, thiết bị bảo quản, ngư lưới cụ… Theo đó “dòng chảy” vốn tín dụng ưu đãi này sẽ dễ dàng đến được với các ngư hộ có nhu cầu. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế từ ngư dân cho thấy để tiếp cận nguồn vốn không khó vì Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cam kết luôn đồng hành với ngư dân, cái khó phát sinh chính là khả năng cung ứng những con tàu vừa bảo đảm tiêu chí khai thác hiện đại công nghệ cao, đánh bắt xa bờ… lại vừa phù hợp với tập quán sản xuất của từng địa phương. Mặt khác nhiều ngư dân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để dễ dàng tiếp cận với kỹ thuật khai thác bằng những thiết bị, công nghệ hiện đại được trang bị trên những con tàu lớn theo quy định. Hay nói khác hơn thay đổi tư duy khai thác hải sản truyền thống bằng kỹ thuật hiện đại, quy mô lớn… không thể một sớm, một chiều mà làm được. Một số ngư dân chúng tôi có dịp tiếp xúc đã một mặt tỏ ra phấn khởi trước cơ hội lớn nhưng cũng không ít băn khoăn, lưỡng lự trước sự lựa chọn vay vốn để đóng tàu composite hay tàu sắt thay cho tập quán sử dụng tàu vỏ gỗ…

Suy cho cùng, vay được vốn để “thỏa mãn” ước mơ sở hữu con tàu lớn là không quá khó khăn đối với ngư dân hiện tại mà nỗi lo lớn vẫn là làm sao có hiệu quả như mong muốn, nếu không sẽ trở thành “gánh nợ” khó trả cả ngân hàng cho vay lẫn ngư dân. Đặt ra vấn đề này để các địa phương, ngành chức năng, liên quan cần quan tâm, vừa tích cực hỗ trợ cho ngư dân nhưng đồng thời vừa đảm bảo việc thực hiện chính sách đạt kết quả cao. Có như vậy mới thực sự giúp ngư dân không bỏ lỡ cơ hội “vàng” để có đội tàu của tỉnh đủ mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tương lai.