Vấn đề hôm nay:

“Vượt hạn” để phát triển chăn nuôi!

(NTO) Năm 2015, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tỉnh ta phải gánh chịu đợt hạn nặng nề, hay nói khác hơn là “khốc liệt” nhất trong vòng 2 thập niên qua. Theo dự báo, hạn hán có khả năng còn kéo dài đến những tháng đầu của năm 2016. Hạn hán đã tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của một bộ phận Nhân dân vùng bị hạn mà nếu như không có sự hỗ trợ kịp thời về nhiều mặt của Nhà nước thì khó có thể ổn định cuộc sống, tiếp tục tái sản xuất. Điều đáng mừng là theo đánh giá chung, nhờ chủ động ứng phó từ lãnh đạo tỉnh đến cơ sở và người dân vùng hạn nên đã giảm được đến mức thấp nhất thiệt hại, đặc biệt là không để xảy ra tình trạng thiếu nước, thiếu lương thực và dịch bệnh nhất là tại các vùng “tâm hạn”. Có thể nói, kết quả rõ nhất là người dân nhiều địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo... để “vượt hạn”, duy trì và phát triển đàn gia súc. Theo thống kê, đến nay đàn bò toàn tỉnh hiện có trên 91.000 con, tăng 8,5%; đàn heo trên 81.300 con, tăng 15,7%; đàn dê trên 82.630 con, tăng 27,7%; đàn cừu trên 95.530 con, tăng 9,9% so cùng kỳ năm trước.

Nông dân xã Phước Nam (huyện Thuận Nam) phát triển chăn nuôi gia súc theo mô hình trang trại. Ảnh: Sơn Ngọc

Nêu ra các con số trên để thấy rằng không chỉ sức sống “mãnh liệt” của đàn gia súc đã thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của tỉnh, tuy chỉ có “chững” lại vào thời điểm “đỉnh” hạn, một số nơi do quá thiếu nước uống, thức ăn làm suy dinh dưỡng (chủ yếu là gia súc mới sinh và già) nhưng chỉ có gần 2.470 con gia súc bị chết, chiếm 1,03% tổng đàn, trong đó riêng dê, cừu gần 2.180 con mà thôi.

Có ý kiến cho rằng nắng hạn tác động làm giảm sút trong chăn nuôi là tất yếu, nên nếu duy trì được tổng đàn đã là giỏi!. Thế nhưng thực tế lại không như nhận định mà còn tăng cao là đằng khác. Đây không phải là con “số ảo” bởi lẽ chỉ qua cách làm của người chăn nuôi, sự chỉ đạo hỗ trợ kịp thời của tỉnh… là đã minh chứng được. Đầu tiên, để giữ đàn gia súc nhiều nông hộ đã chủ động đào giếng, ao... dưới lòng suối để tận dụng mạch nước ngầm lấy nước cho gia súc uống và tưới cho cây trồng. Mặt khác, tỉnh đã chỉ đạo ưu tiên nguồn nước cho người và gia súc đồng thời hỗ trợ chở nước đến cung cấp cho vùng hạn. Di chuyển đàn gia súc đến vùng có nước cũng là giải pháp hữu hiệu được người chăn nuôi thực hiện. Tuy không dễ dàng di chuyển nhất là dê, cừu vì phải chuyển theo cả chuồng trại... nhưng bằng quyết tâm cao nên đã đạt kết quả. Việc tỉnh hỗ trợ hàng chục tỷ đồng để cung cấp thức ăn tinh cho đàn gia súc cũng là tác nhân quan trọng để giải quyết nguồn thức ăn ngoài tinh thần chủ động của người chăn nuôi trong việc tận dụng các phế phẩm nông nghiệp, chuyển hàng chục ha đất lúa, màu sang trồng cỏ để cung cấp thức ăn cho chăn nuôi. Yếu tố cũng không kém phần quan trọng đó là tập quán trong chăn nuôi từng bước được thay đổi, từ nhỏ, lẻ sang trang trại, gia trại tập trung với quy mô đàn khá lớn... cũng góp phần tăng tổng đàn. Theo thống kê, hiện nay loại hình chăn nuôi trang trại chiếm 32% tổng đàn trong toàn tỉnh và tăng 59,4% so cùng kỳ năm 2014. Riêng đàn dê, cừu đang có xu hướng giảm dần hộ nuôi nhỏ, lẻ mà chuyển sang nuôi tập trung quy mô từ 15 con/hộ trở lên...

Khó có thể nói hết những cách làm sáng tạo của nông dân nói chung, người chăn nuôi nói riêng trước những bất lợi của thời tiết để duy trì và phát triển đàn gia súc vốn được xem là “đầu cơ nghiệp” của nhà nông. Những kết quả đã nêu sẽ là những kinh nghiệm quý để nông dân tỉnh ta chuyển từ "ứng phó" sang “sống chung” với hạn mà theo dự báo sẽ còn gay gắt trong năm tới.