Nhân viên y tế thôn hoạt động cầm chừng, vì sao?

(NTO) Được xem là cánh tay nối dài của ngành Y tế, tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do không được hưởng phụ cấp, nên đội ngũ nhân viên y tế thôn hoạt động cầm chừng, thậm chí tại một số xã đã không còn hoạt động, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân.

Khó khăn cho công tác y tế dự phòng

Trên địa bàn xã Phước Hữu (Ninh Phước), trước đây, trong các đợt tiêm chủng hàng tháng, các công việc hành chính như: Gửi giấy mời, bổ sung danh sách trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng… đều do nhân viên y tế thôn đảm nhận, nhưng từ đầu năm đến nay, mọi công việc đều do Trạm Y tế xã phối hợp với các trưởng thôn cùng thực hiện, nên vất vả hơn nhiều. Chị Lưu Thị Chiêm Vân, Phó Trưởng trạm Y tế xã, cho biết: Nhân viên y tế thôn giữ vai trò hết sức quan trọng. Đội ngũ này thường xuyên thông tin hai chiều với trạm về số trẻ sẽ sinh, sẽ tiêm chủng trong tháng... từ đó giúp trạm lên đầy đủ danh sách số trẻ được tiêm, tránh sót mũi tiêm. Ngoài ra, vì họ đều là người sống ngay địa phương nên nắm rõ tình hình dịch bệnh trong cộng đồng, từ đó kịp thời thông tin để có biện pháp xử lý; đồng thời, hỗ trợ tích cực cho trạm tuyên truyền, vận động Nhân dân phòng, chữa các bệnh thông thường; tuyên truyền các biện pháp KHHGĐ cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ; phòng, chống suy dinh dưỡng cho các bà mẹ nuôi con dưới 5 tuổi... Từ khi nhân viên y tế thôn không còn hoạt động, nhân viên tại trạm lại mỏng nên khó bao quát, cập nhật kịp thời tình hình dịch bệnh trên toàn xã, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hết sức khó khăn.

 
Nhân viên y tế thôn có vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân tại cơ sở.

Không riêng xã Phước Hữu, tình trạng này xảy ra với nhiều địa phương khác trong tỉnh. Tại một số xã, mặc dù nhân viên y tế thôn vẫn hoạt động nhưng chỉ cầm chừng. Anh Đỗ Bê, Trưởng trạm Y tế xã Thanh Hải (Ninh Hải), chia sẻ: Do không được hưởng phụ cấp nên nhiều nhân viên y tế thôn không còn nhiệt tình với công việc như trước đây.

Bác sỹ Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Ngoài các thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn đã có đội ngũ cô đỡ thôn bản kiêm công tác y tế thôn, toàn tỉnh có khoảng 200 nhân viên y tế thôn. Tất cả đều được đào tạo kiến thức cơ bản về y tế dự phòng, chăm sóc dinh dưỡng..., có kinh nghiệm lâu năm, tâm huyết với công việc. Nếu không sử dụng đội ngũ này không chỉ ảnh hưởng đến công tác y tế ở cơ sở mà còn hết sức lãng phí.

Trách nhiệm của chính quyền địa phương

Trước đây, nguồn kinh phí hoạt động của đội ngũ nhân viên y tế thôn được UBND tỉnh phân bổ về Sở Y tế giao cho các Trung tâm Y tế huyện, thành phố quản lý. Tuy nhiên, từ tháng 2-2015, nguồn kinh phí này được thực hiện theo Quyết định 12/QĐ-UBND ngày 5-2-2015 của UBND tỉnh về việc quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với những người hoạt động không chuyên trách ở các xã, phường, thị trấn, thôn, khu phố. Theo đó, số lượng, chức danh của những người hoạt động không chuyên trách thôn được bố trí không quá 3 người/7chức danh, gồm: Bí thư Chi bộ thôn; Trưởng Ban công tác Mặt trận; Trưởng thôn; Thôn đội trưởng; Phó trưởng thôn; Công an viên và nhân viên y tế thôn. Tổng phụ cấp được khoán cho các chức danh này bằng 5 tháng lương tối thiểu chung từ ngân sách của Trung ương. Như vậy, tính ra mỗi người kiêm ít nhất 2 chức danh. Điều này gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc lựa chọn, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ không chuyên trách tại các thôn.

Xác định được tầm quan trọng, cần thiết của đội ngũ nhân viên y tế thôn, tháng 5-2015, Chủ tịch UBND tỉnh có đã công văn gửi đến UBND các huyện nghiên cứu, bố trí, sử dụng lại đội ngũ nhân viên y tế thôn đã được ngành Y tế đào tạo, sử dụng; đồng thời, nhanh chóng gửi danh sách lên UBND tỉnh để có căn cứ phân bổ nguồn kinh phí hoạt động. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, ngoài 2 huyện Ninh Sơn và Bác Ái, các huyện còn lại vẫn chưa có quyết định phê duyệt danh sách nhân viên y tế thôn. Không được giao nhiệm vụ, không có chế độ phụ cấp nên từ đầu năm đến nay, nhân viên y tế thôn không còn hoạt động, hoặc hoạt động nhưng chưa hết mình.

Thiết nghĩ, để bảo đảm chất lượng hoạt động y tế thôn rất cần tinh thần trách nhiệm từ phía lãnh đạo các địa phương nhanh chóng rà soát, lập danh sách, bố trí nhân viên y tế tại các thôn phù hợp, theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh, góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ở cơ sở.