Nhìn lại việc thực hiện một số chính sách đối với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh

(NTO) Triển khai thực hiện miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP, Nghị định số 74/2013/NĐ-CP; việc dạy và học tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số (DTTS) theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, học sinh, sinh viên (HS, SV) vùng đồng bào DTTS đã có thêm nhiều điều kiện để vững bước đến trường.

Trong 5 năm học từ (2010-2011 đến 2014-2015), thực hiện các Nghị định trên của Chính phủ, ở tỉnh ta, khung học phí phù hợp với điều kiện KT-XH và khả năng đóng góp của người học, từng bước đáp ứng và giải quyết khó khăn, vướng mắc tồn tại nhiều năm qua đối với HS, SV thuộc diện chính sách, SV nghèo, HS vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, giảm bớt được phần nào gánh nặng về tài chính đối với phụ huynh. Trong 5 năm học qua, toàn tỉnh đã thực hiện chế độ chính sách đối với SV hệ cử tuyển, miễn giảm học phí đối với SV đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; cấp bù học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với HS các cấp học phổ thông trên địa bàn tỉnh với số tiền trên 84,6 tỷ đồng. Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết DTTS được triển khai nghiêm túc, đúng chương trình của ngành GD&ĐT. Qua khảo sát có 100% giáo viên dạy tiếng Chăm ở cấp TH đạt yêu cầu, trên 35% giáo viên dạy tiếng Chăm đạt loại giỏi; tỷ lệ học sinh TH hoàn thành chương trình tiếng Chăm năm học 2014-2015 đạt 99%, tăng 9,4% so với năm học trước.

 
Giờ học tiếng Chăm của học sinh lớp 1B, Trường TH Hậu Sanh (Ninh Phước).

Tuy nhiên, qua hoạt động giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh vừa qua, cho thấy việc thực hiện các Nghị định vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế như: Kinh phi cấp để thực hiện chế độ theo Nghị định 49 và Nghị định 74 còn rất chậm nên việc thực hiện chế độ miễn giảm, hỗ trợ chi phí học tập cho HS, SV chưa kịp thời; công tác lập hồ sơ chậm và còn nhiều sai sót nên một số đối tượng thuộc diện thụ hưởng bị bỏ sót, một số chưa được giải quyết chế độ… Ngoài ra, do Nghị định 74 đã thu hẹp phạm vi đối tượng thụ hưởng (chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập chỉ áp dụng cho HS, SV hộ nghèo) gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác huy động HS ra lớp, nâng cao chất lượng giáo dục… Các điều kiện, nguồn lực phục vụ việc dạy và học tiếng nói, chữ viết DTTS chưa được đáp ứng đầy đủ. Trang thiết bị, đồ dùng dạy học tiếng DTTS hầu như không có (trừ một số ít đồ dùng do giáo viên tự làm). Các bộ sách giáo khoa tiếng Chăm lớp 1, 2, 3 do sử dụng khá lâu (từ năm 2008) nên phần lớn bị nhàu nát, rách bìa, mất trang và thiếu trầm trọng. Đơn cử như Trường TH Hậu Sanh (xã Phước Hữu, Ninh Phước) có 77 HS lớp 1 nhưng chỉ có 22 quyển sách giáo khoa tiếng Chăm, HS lớp 2 có 56 em sử dụng chung 32 quyển sách… gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc dạy và học tiếng Chăm của HS nhà trường.

Để Nghị định 49/2010/NĐ-CP, Nghị định 74/2013/NĐ-CP; việc dạy và học tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số (DTTS) theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh thực sự đi vào cuộc sống, theo đồng chí Lê Bá Phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị Bộ GD&ĐT sớm phê duyệt danh mục đồ dùng dạy học, dụng cụ học tập tiếng dân tộc Chăm cho HS, nhất là bộ chữ cái, hệ thống các âm vần, tranh minh họa; biên soạn, đưa tiếng DTTS vào chương trình dạy học các trường PTDTNT và PTDTBT với một thời lượng hợp lý, in nối bản sách giáo khoa tiếng Chăm lớp 1 đến lớp 5. UBND tỉnh bổ sung biên chế đội ngũ giáo viên dạy chuyên tiếng Chăm trong các trường TH, xây dựng “kênh” ngân sách chuyên đề dạy và viết tiếng DTTS, đồng thời cấp bổ sung kinh phí in nối bản các bộ sách giáo khoa tiếng Chăm phục vụ nhu cầu học tập của HS trong năm học 2015-2016.