Xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc gắn với đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc

Dự thảo Báo cáo Chính trị, tại mục X, Tăng cường quốc phòng, an ninh,… nêu: Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm; sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng.

Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân chính thức được đề cập trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ VII và tiếp tục được xác định trong văn kiện các Đại hội lần thứ VIII, IX, X, XI của Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân vững chắc”. Thể chế hóa quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, trong Luật An ninh quốc gia năm 2004, khái niệm nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân được quy định tại Khoản 9, Khoản 10, Điều 3: “Nền an ninh nhân dân là sức mạnh về tinh thần, vật chất, sự đoàn kết và truyền thống dựng nước, giữ nước của toàn dân tộc được huy động vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia làm nòng cốt”; “Thế trận an ninh nhân dân là việc tổ chức, bố trí lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia và các nguồn lực cần thiết để chủ động bảo vệ an ninh quốc gia”.

Từ sau ngày hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân không ngừng được xây dựng, củng cố, nhất là trên các địa bàn chiến lược, xung yếu, phức tạp. Đã xây dựng và triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự trên các lĩnh vực, nhất là trên lĩnh vực an ninh kinh tế, an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh thông tin, an ninh tôn giáo, an ninh dân tộc; phương án phòng, chống địch xâm nhập, phá hoại; phòng, chống bạo loạn, khủng bố. Bố trí lực lượng ở từng địa bàn, mục tiêu, tuyến, lĩnh vực; từng bước xây dựng, phát triển tiềm lực, đầu tư thiết bị, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ… tạo điều kiện cho các lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nòng cốt của nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân được gắn kết chặt chẽ với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân; đổi mới về nội dung và hình thức theo hướng “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải”, phù hợp đặc điểm, tính chất của từng địa bàn, lĩnh vực. Qua đó, các tầng lớp nhân dân đã cung cấp hàng triệu tin có liên quan đến an ninh, trật tự, trong đó rất nhiều tin có giá trị giúp các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn và điều tra, xử lý nhiều vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; giải quyết ổn định nhiều vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự ngay từ đầu và tại cơ sở. Những kết quả nêu trên, đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phục vụ thắng lợi sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.

Từ thực tiễn công tác, quan điểm nhất quán của Đảng về xây dựng thế trận an ninh nhân dân, chúng tôi xin phân tích, làm rõ thêm một số nội dung:

Thời gian tới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục các hoạt động chống phá Việt Nam. Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bộc lộ rõ nét và nghiêm trọng hơn. Tình hình biên giới trên bộ, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp. Nguy cơ xảy ra khủng bố, chiến tranh mạng, mất an ninh thông tin ngày càng gia tăng. Vi phạm pháp luật, tội phạm có xu hướng gia tăng, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần nắm vững các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ, công tác trọng tâm sau:

Tiếp tục quán triệt, thực hiện, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân. Xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể quần chúng, trong đó lực lượng Công an nhân dân làm nòng cốt tham mưu, hướng dẫn, triển khai, thực hiện; lấy địa bàn khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường… làm cốt lõi để triển khai lực lượng, phương tiện và biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, xác định đây là nhiệm vụ chiến lược, cơ bản và quan trọng trong tình hình hiện nay.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Hằng năm xây dựng chương trình, kế hoạch gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương; thường xuyên theo dõi, đôn đốc kiểm tra, kịp thời uốn nắn những sơ hở, thiếu sót, định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao ý thức cảnh giác cho các tầng lớp nhân dân; đồng thời tích cực có chủ trương, giải pháp giúp nhân dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, qua đó góp phần củng cố nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về bảo vệ an ninh, trật tự, trọng tâm là Chỉ thị số 46-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”, Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” và Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”.

Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc làm nội dung nòng cốt của công tác xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân. Huy động sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng vùng, lĩnh vực, địa bàn dân cư. Gắn kết chặt chẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”... Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến theo hướng xã hội hóa với nhiều hình thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải ở cơ sở. Kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Tăng cường quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Công an nhân dân với Quân đội nhân dân, các ban, bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Chủ động nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận về xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Nguồn nhandan.com.vn