Chuyện “lãnh đạo trẻ”

(NTO) Khu phố nơi tôi ở vốn yên ả như những người dân lao động sinh sống nhiều thế hệ đã tạo dựng nên nó. Thế nhưng mấy ngày nay mọi người xôn xao bàn tán việc các trang báo mạng nói về giám đốc ngành tỉnh tuổi 30. Thật mừng bởi người dân giờ đây biết quan tâm đến những “công bộc” của mình ra sao.

Thế nên trong lúc trà lá bù khú ngày cuối tuần, tôi lấy chuyện người dân khu phố mình bàn về lãnh đạo trẻ để góp vui, không ngờ đám bạn lại “thông thái” chuyện cán bộ ngày xưa, ngày nay vậy. Đó là, thời công nghệ bùng nổ sáng ngủ dậy thấy mình lạc hậu rồi nếu cứ “già” như cánh ta lấy đâu sức bật đóng góp cho quê hương, đất nước. Có anh dẫn chứng hùng hồn: Bố mình là sĩ quan tác chiến cấp quân đoàn, cụ bảo “nghề” đánh giặc mà “quyết” chậm trễ vài giây có khi “đi” cả sư đoàn, bởi chiến tranh hiện đại không cho phép chậm trễ phát mệnh lệnh đánh địch nên sĩ quan chỉ huy không chỉ giỏi mà còn phải trẻ, khoẻ. Nhưng có lẽ minh chứng không thể phủ nhận bởi lãnh đạo Đảng ta thời kỳ những năm ba mươi là những lãnh tụ trẻ đến nay còn rạng danh sử sách, được dân tôn thờ. Như Bác Trần Phú, sinh năm 1904,  tháng 7 năm 1930 được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời; Hoàn thành bản dự thảo Luận cương chính trị và được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng l0-1930 thông qua. Cũng tháng l0-1930 Bác Trần Phú được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, lúc 26 tuổi. Rồi Bác Lê Hồng Phong, sinh năm 1903, được bầu Tổng Bí thư thứ hai của Đảng tháng 3/1935, lúc 33 tuổi. Và Bác Hà Huy Tập, sinh năm 1906, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được cử giữ cương vị Bí thư Ban Chỉ huy hải ngoại của Đảng ta, được ghi nhận là Tổng Bí thư thứ ba của Đảng, lúc 29 tuổi. Vậy nên, cái việc anh gì đó 30 tuổi nay làm giám đốc sở thì có gì lạ phải xôn xao…Câu chuyện cán bộ xưa - nay như đề tài bất tận nếu như không có bác lớn tuổi chặn lại: Các ông nói chuyện lãnh đạo trẻ nhưng phiến diện, thời các vị lãnh tụ Đảng ta lúc bấy giờ là những cán bộ trẻ đã được thử thách trong hoàn cảnh cách mạng cực kỳ khốc liệt, họ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng chèo lái con thuyền cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng nếu so sánh với cái cậu giám đốc trẻ gì đó hiện nay thì thật là “bất kính”!

Từ câu chuyện trên, thiết nghĩ nếu bàn về tìm người hiền tài làm lãnh đạo, chúng ta dễ liên tưởng đến Singapore, một đất nước mà trong thành công có được ngày nay không thể không kể đến chính sách trọng dụng nhân tài nổi tiếng. Lãnh đạo Quốc đảo sư tử dùng người tài để phục vụ mục tiêu chung của dân tộc với tiêu chí đánh giá năng lực rõ ràng, có cơ chế tốt để hấp dẫn và khuyến khích người tài. Tiêu chí đánh giá năng lực của Singapore bao gồm: Những thành tựu đã được công nhận, khát vọng cống hiến và thư giới thiệu, đánh giá của những người có uy tín trong xã hội. Một người muốn được thăng chức, ngoài những kết quả đã đạt được, phải có thư đánh giá của 6 người có uy tín ở bên ngoài cơ quan, không có họ hàng hay quyền lợi gì liên quan. Ngoài ra, cơ quan cũng tự tìm những người khác đánh giá về cá nhân này để đảm bảo tính khách quan và đúng đắn trong việc nhìn nhận một con người. Vậy nên cần nhất là có tiêu chí cụ thể, có phương pháp tuyển chọn khách quan, khoa học, chính sách đãi ngộ thoả đáng để người hiền tài phục vụ đất nước và nếu họ là những người trẻ tuổi làm lãnh đạo thì “con hơn cha nhà có phúc” như cha ông ta từ bao đời nay đã đúc kết.