Lâm Sơn: Nhiều biện pháp giảm nghèo bền vững

(NTO) Lâm Sơn (Ninh Sơn) có 10 thôn, trong đó có 5 thôn đồng bào dân tộc thiểu số, so với toàn huyện tỷ lệ hộ nghèo của xã còn rất cao. Toàn xã có 3.542 hộ với 16.119 nhân khẩu, hơn 80% dân số làm nghề nông, tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn do thời tiết không thuận lợi nên ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Tuy vậy, qua 15 năm qua thực hiện chương trình giảm nghèo của huyện, bằng nhiều nỗ lực từ chính quyền các cấp đến Nhân dân, đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã bình quân khoảng 4,5% mỗi năm. Ông Nguyễn Thanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Lâm Sơn cho biết: Hàng năm, Ban vận động “Ngày vì người nghèo” của xã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các cơ quan, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cùng tham gia thực hiện cuộc vận động “Quỹ vì người nghèo”.

Bà Lê Thị Gái, thôn Lâm Bình phấn khởi khi được cán bộ xã đến thăm hỏi
về căn nhà Đại đoàn kết xây dựng năm 2014.

Xã thường xuyên chú trọng đến công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của cuộc vận động, kêu gọi cán bộ, công nhân, viên chức, các doanh nghiệp và nhân dân trong toàn địa bàn xã đóng góp ủng hộ, mở các đợt vận động cao điểm chăm lo cho người nghèo; đồng thời chủ động phối hợp với Ban quản lý từng thôn, các tổ thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từ đó tạo được sự đồng thuận trong quá trình thực hiện.

Từ năm 2000 đến nay, “Quỹ vì người nghèo” của xã vận động trên 300 triệu đồng, đồng thời còn nhận được sự hỗ trợ các nguồn vốn của tỉnh, huyện trên 12 tỷ đồng. Từ các nguồn kinh phí nói trên, xã đã hỗ trợ xây dựng gần 692 căn nhà ở cho các hộ nghèo. Trong đó, hỗ trợ xây dựng 348 căn nhà theo Chương trình 167; 75 căn nhà Đại đoàn kết; 233 căn nhà tình nghĩa, tình thương... Ngoài ra, mỗi năm Nhà máy Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi hỗ trợ 2 căn nhà với kinh phí 80 triệu đồng. Bà Lê Thị Gái, hộ dân thôn Lâm Bình, phấn khởi chia sẻ: Trước đây, gia đình khó khăn không đủ tiền để xây nhà. Năm 2014, được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng xây nhà Đại đoàn kết, giờ chỗ ăn, chỗ ở đã có không còn lo sợ mưa gió nữa.

Song song với đó, bằng việc lồng ghép xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững và áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cho bà con, đến nay trên địa bàn xã đã hình thành các mô hình kinh tế hiệu quả như: trồng cây ăn quả (mít, chôm chôm, sầu riêng...); mô hình trồng chuối, bắp lai, thâm canh cây mía, mì; mô hình nuôi bò, dê, cừu… áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” vào sản xuất cho cây lúa. Ngoài ra, thông qua Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí 400 triệu đồng để mua trâu, bò… góp phần tăng thu nhập. Mặt khác, các hộ nghèo còn được địa phương tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT để có vốn phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo. Đến nay, các hộ vay đầu tư phát triển sản xuất với tổng dư nợ gần 70 tỷ đồng.

Nhờ sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, áp dụng các mô hình sản xuất mới trong sản sản xuất, đã giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn xã từ 35,30% (năm 2010) giảm xuống còn 17,3% vào đầu năm 2015. Phát huy những kết quả đạt được nêu trên, trong năm 2015, xã Lâm Sơn phấn đấu vận động 40 triệu đồng “Quỹ vì người nghèo” để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo.

Với những nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và sự phấn đấu vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo tại xã Lâm Sơn đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực. Tin rằng công tác giảm nghèo trên địa bàn xã sẽ tiếp tục đạt những kết quả mới trong thời gian đến.