Góp ý về dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi): Đề xuất giữ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy

Ngày 22/9, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị khu vực phía Bắc lấy ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi).

Theo báo cáo của Chính phủ, về đánh giá chung của nhân dân, nhiều quy định của dự thảo Bộ luật đã thể hiện được tinh thần về những giá trị cơ bản của Hiến pháp năm 2013, đã tạo ra cơ chế hữu hiệu để bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức, góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm mọi người được sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh; đồng bộ với các luật, bộ luật đã được ban hành về các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội và về bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Hội nghị khu vực phía Bắc lấy ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy
ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi). (Ảnh: TH).

Các nội dung mới sửa đổi, bổ sung của dự thảo Bộ luật sẽ khắc phục được những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tuy nhiên, dự thảo Bộ luật vẫn còn một số quy định có nội dung chưa rõ ràng, chưa hợp lý hoặc chưa giải quyết được triệt để các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Việc bổ sung quy định về một số tội phạm mới có điểm chưa phù hợp, chưa thực sự chặt chẽ...

Cần thiết bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân

 

Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân nhân về 8 vấn đề trọng tâm của dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết: Đa số ý kiến tán thành với dự thảo Bộ luật về việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào dự thảo Bộ Luật Hình sự và cho rằng, đây là một trong các nội dung mang tính đột phá, thể hiện sự đổi mới nhận thức trong việc sửa đổi Bộ Luật Hình sự lần này.

Một số ý kiến khác đề nghị, không nên bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân vì cho rằng, vướng mắc trong việc xử lý pháp nhân vi phạm pháp luật xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện, mà không phải do thiếu cơ sở pháp lý.

Chỉ ra thực tiễn cho thấy, việc núp bóng dưới danh nghĩa pháp nhân để thực hiện hành vi phạm tội ngày càng nhiều, mức độ nguy hiểm ngày càng tăng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến cho rằng, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong thời điểm này là hợp lý.

Đồng quan điểm, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Tĩnh Lê Viết Hồng cho rằng, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là cần thiết, tuy nhiên đề xuất: “Nên giảm một số tội, tội nào có thể xử lý hành chính thì không nên xử lý hình sự”.

Đề xuất giữ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy

Về việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm, đa số ý kiến tán thành phương án bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội danh cũng như hành vi phạm tội vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trong dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) và đề nghị nếu có quy định hình phạt chung thân không giảm án thì nên rà soát để bỏ thêm hình phạt tử hình đối với một số tội phạm nữa nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương giảm áp dụng hình phạt tử hình theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, việc duy trì hình phạt tử hình đối với các tội này là để bảo đảm sự răn đe, phòng ngừa chung.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TH).

Về vấn đề này, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho biết, qua nghiên cứu, tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân về việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm, Chính phủ nhận thấy, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm ma túy ở nước ta mà chủ yếu là mua bán, vận chuyển trái phép diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng, có vụ số lượng đặc biệt lớn. Đây là hiểm họa dẫn đến tình trạng nghiện ma túy và nguy cơ của các loại tội phạm khác làm mất trật tự, trị an. Vì vậy, việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy cần phải được xem xét, cân nhắc trong mối tương quan giữa yêu cầu hạn chế hình phạt tử hình trong thực tế và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ở nước ta. “Trên tinh thần đó, Chính phủ đề nghị tiếp thu ý kiến cho giữ lại hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy nhưng cần quy định thật chặt chẽ điều kiện áp dụng đối với tội này”, Thứ trưởng nói.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, việc tổng hợp ý kiến nhân dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, do đó cần tổng hợp đầy đủ, trung thực, khách quan, chính xác ý kiến của nhân dân về từng vấn đề cụ thể. Các đề xuất của Chính phủ phải bám sát Cương lĩnh, Hiến pháp 2013, các định hướng của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ để làm sao khi Bộ luật được thông qua sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của đất nước.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến 16 giờ ngày 20/9, Bộ Tư pháp đã nhận được báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân của 16 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, 39 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 20 cơ quan, tổ chức và 15 cá nhân. Qua tổng hợp các báo cáo và kết quả của các hoạt động lấy ý kiến khác thì ước tính có khoảng hơn 3 triệu lượt ý kiến của nhân dân tham gia góp ý về dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi).

Đối tượng lấy ý kiến được trải rộng từ các cơ quan ở Trung ương đến các cơ quan, tổ chức ở địa phương; từ các cơ quan nhà nước đến các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam