Bước đột phá của ngành Du lịch

(NTO) Trong nhiệm kỳ qua, tỉnh ta đã tập trung đầu tư khai thác lợi thế, tiềm năng để ngành Du lịch (DL) phát triển. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển DL tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Có thể nói, hoạt động DL tỉnh ta đã có những bước chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, đúng hướng theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, đưa DL trở thành nhóm ngành kinh tế trụ cột của tỉnh.

Ấn tượng

Thành công lớn nhất của ngành “công nghiệp không khói” ở tỉnh ta là doanh thu DL tăng đều theo hằng năm. Trong 8 tháng năm 2015, ngành DL đón trên 1,37 triệu lượt khách, đạt 91,38%, tăng 46,3% so cùng kỳ. Thu nhập xã hội từ hoạt động DL ước thực hiện được 535,6 tỷ đồng, công suất phòng của khách sạn, nhà nghỉ toàn tỉnh đạt đến 80%. Ước cả năm 2015, đón 1,5 triệu lượt khách, tăng 16% lượt khách bình quân hằng năm; tăng 15% thu nhập xã hội từ DL, hoàn thành mục tiêu kế hoạch 5 năm 2011-2015 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra. Bà Lưu Quỳnh Chi, Trưởng phòng Marketing & Communicatidon Dept Vietravel-TP. Hồ Chí Minh, cho rằng: Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu ngang bằng tỷ lệ tăng trưởng số lượt du khách, điều đó thể hiện DL Ninh Thuận đã phát triển về chất lượng và hiệu quả. Hay nói cách khác, DL Ninh Thuận đã phát triển theo chiều sâu và bền vững hơn.

 
Khu nghỉ dưỡng Amanoi (Vĩnh Hy, Ninh Hải) là một trong Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất năm 2015 của Việt Nam.  
Ảnh: Lê Văn Hùng

Bà Phạm Mai Phương, Phòng Outbound & Nội địa, Công ty Cổ phần Lữ hành quốc tế Kim Liên (Hà Nội), cho biết: Hình ảnh DL Ninh Thuận ngày càng xuất hiện rộng rãi, chỉ cần gõ vào Google về các địa danh, điểm đến DL Ninh Thuận sẽ xuất hiện với mỗi dãy số ấn tượng. Riêng địa danh Ninh Thuận sau 0,28 giây có ngay kết quả tìm kiếm 1.239.000-thể hiện minh chứng sống động về hình ảnh Ninh Thuận đã đến với công chúng, nhất là du khách trong nước và quốc tế.

Đúng như vậy, hình ảnh Ninh Thuận nói chung và DL Ninh Thuận nói riêng ngày càng xuất hiện đậm nét trên bản đồ DL. Trên “bản đồ” DL thế giới, Tạp chí Forbes Life (Mỹ) đã chọn khu nghỉ dưỡng Amanoi tại khu vực Vĩnh Hy, Ninh Hải là một trong Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất năm 2015 của Việt Nam. Ở “bản đồ” DL trong nước, trong Hành trình quảng bá Top Đặc sản Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận Việt Nam có 45 địa danh lọt vào Top Việt Nam ở cấp độ hạng mục khác nhau, trong đó tỉnh ta có 7 địa danh nên đi DL. Thị trường ngành DL đã mở rộng hợp tác phát triển với các vùng trọng điểm của đất nước như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… tạo điều kiện cho việc kết nối các điểm DL trong các tour DL liên vùng. Không chỉ vậy, ngành DL còn chú trọng đến việc mở rộng, phát triển thị trường DL khách quốc tế, hướng đến các dòng khách có khả năng chi trả cao.

Bên cạnh việc phát triển các điểm đến DL trên các lĩnh vực biển, văn hóa, lịch sử, sinh thái và tâm linh, tỉnh ta cũng quan tâm tới việc khuyến khích đầu tư xây dựng khách sạn, nhà nghỉ đáp ứng tốt nhất nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách. Tính đến nay, toàn tỉnh có 80 cơ sở lưu trú, tương ứng với 412 phòng (tăng 28% so năm 2010), góp phần nâng tổng số đến nay lên 1.830 phòng, trong đó trên 30% số phòng đạt chuẩn tương đương 3 sao trở lên, năng lực tăng thêm 679 tỷ đồng. Thu hút 47 dự án mới đăng ký đầu tư, với tổng giá trị đầu tư 14.000 tỷ đồng, giá trị đầu tư tăng thêm 8.000 tỷ đồng (tăng 33% so năm 2010), góp phần tăng số lượng cơ sở lưu trú-nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước.

Tạo bước phát triển bền vững

Đạt được kết quả trên, theo đồng chí Hồ Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL: DL Ninh Thuận đã tạo được những ấn tượng lớn không chỉ góp phần phát triển kinh tế của địa phương, mà còn khẳng định chỗ đứng trên bản đồ DL Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những tồn tại khiến DL tỉnh nhà chưa thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đó là: Hạ tầng DL vẫn còn bất cập, chưa đồng bộ; quy mô các hoạt động DL nhỏ, không đa dạng, chất lượng các loại hình DL chưa cao, chưa thực sự hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Đóng góp của DL cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh chưa được như mong muốn, hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngành DL còn thấp. Việc xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển DL vẫn còn hạn chế. Cùng với đó, vẫn còn nhiều bất cập trong công tác quản lý, chất lượng phục vụ và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; khả năng cạnh tranh kém, nội dung chương trình DL chưa phong phú để hấp dẫn du khách.

Bãi biển Bình Sơn - Điểm thu hút du khách đến tham gia các môn thể thao trên biển.
Ảnh: Văn Miên

Tỉnh ta đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, đón 2,4 triệu lượt du khách. Để thực hiện mục tiêu này, theo đồng chí Hồ Sỹ Sơn, ngành DL sẽ bám sát tinh thần Nghị quyết của Đại hội về phát triển DL để cụ thể hóa chương trình hành động phát triển, đưa ngành DL trở thành ngành kinh tế trụ cột theo quy hoạch của tỉnh. Trước mắt, tỉnh tiếp tục đa dạng hóa công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về phát triển DL, bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động DL; xây dựng cơ chế thông thoáng, mở rộng liên doanh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để phát triển DL; nghiên cứu mở rộng thị trường và phát triển các sản phẩm DL đặc thù. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DL; hợp tác, quảng bá, xúc tiến và xây dựng thương hiệu DL; huy động các nguồn lực phát triển DL song song với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, di tích, di sản trên địa bàn tỉnh.