Ngành Nông nghiệp hình thành các vùng cây trồng tập trung, phát triển theo hướng bền vững

(NTO) Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, từ việc tập trung đầu tư lĩnh vực nông nghiệp sản xuất hàng hóa đã hình thành được các vùng cây trồng tập trung, có bước phát triển toàn diện, theo hướng bền vững.

Đối với sản xuất cây lúa có những chuyển biến tích cực, các huyện “vựa lúa” của tỉnh như Ninh Phước, Ninh Hải không ngừng mở rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” để tăng năng suất và chất lượng gạo. Trước ngày diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, chúng tôi về huyện Ninh Phước đúng lúc bà con đang tập trung thu hoạch vụ lúa hè-thu. Cũng trên những cánh đồng ấy, con người ấy, nhưng sản xuất lúa hiện nay có nhiều tiến bộ vượt bậc. Nông dân đã thay đổi tư duy xưa cũ, cùng nhau liên kết sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”, tạo thuận lợi đưa cơ giới vào đồng ruộng, thay thế sức lao động của con người. Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện đang thực hiện Chương trình chuyển diện tích đất lúa không chủ động nước sang trồng các loại cây chịu hạn như bắp, đậu, rau màu các loại. Diện tích đất lúa theo đó sẽ giảm so với đầu nhiệm kỳ, nhưng sản lượng tăng lên, nhất là mô hình liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa sạch đang được nhân rộng, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo.

Nông dân xã Phước Thuận thực hiện mô hình "1 phải, 5 giảm" trên cây lúa vụ hè thu 2015 đạt năng suất trên 70 tạ/ha.
 

Ở Ninh Sơn, phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện miền núi, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2011-2015 đề ra mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến. Những năm qua, với sự tập trung lãnh đạo đầu tư trồng mía, mì, Ninh Sơn đã xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định với năng suất và chất lượng ngày càng cao. Đến nay, huyện đã hình thành vùng trồng mía, mì tập trung, tổng diện tích 5.431ha. Với chủ trương phát triển theo hướng bền vững, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo đầu tư mở rộng hệ thống thủy lợi, đưa giống mới vào sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật, coi trọng xây dựng mối liên kết “4 nhà”. Sát cánh cùng nhà nông, Công ty CP Mía đường Phan Rang, Nhà máy Chế biến tinh bột mì chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, đưa ra những chính sách hỗ trợ, khuyến khích hộ trồng thông qua hợp đồng đầu tư và ký kết bao tiêu sản phẩm. Các doanh nghiệp cũng chú trọng hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, tạo chuyển biến tích cực. Qua thực hiện các chương trình khuyến nông, nông dân đã đưa các loại giống mía tiềm năng như: K88-92, K95-156, KK3… vào sản xuất, giảm tỷ lệ giống cũ từ 65% (năm 2013) xuống còn 35% hiện nay; các loại giống mì có năng suất cao, đạt từ 30-35 tấn/ha như: KM 228, KM 140, Cút Xanh… cũng được đưa vào sản xuất trên diện rộng. Đồng chí Nguyễn Tiến Đức, Bí thư Huyện ủy Ninh Sơn, cho rằng: Việc phát triển vùng cây nguyên liệu tập trung trên địa bàn huyện những năm qua đã góp phần tích cực vào chương trình xóa đói, giảm nghèo bền vững, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nông, nhà khoa học, Nhà nước và nhà doanh nghiệp.

Nông dân xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) đưa giống mía K88-92 vào canh tác đạt năng suất, chất lượng cao.

Riêng cây ăn quả có sự phát triển mạnh cả về diện tích và sản lượng, nhất là việc triển khai có hiệu quả chương trình trồng nho sạch, sản phẩm nho Ninh Thuận đã khẳng định được vị thế trên thị trường. Từ thực hiện Dự án Cạnh tranh nông nghiệp về xây dựng những mô hình thí điểm áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), Dự án QSEAP hỗ trợ quy hoạch vùng sản xuất nho an toàn, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được những vùng trồng nho sạch, với tổng diện tích gần 200ha. Nhiều khu vực trồng nho ở huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Ninh Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm được đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng VietGAP, liên kết “4 nhà” trong sản xuất, đảm bảo lợi ích giữa các bên tham gia chuỗi giá trị. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất nho an toàn theo hướng bền vững. Theo đó, diện tích nho sẽ được mở rộng từ 1.000ha hiện nay lên 2.500ha vào năm 2020.

Đồng chí Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn nhận: Nhiệm kỳ qua, ngành Nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu, giá trị sản xuất tăng bình quân 7,5%/năm, vượt chỉ tiêu đề ra 0,5%, trong nội bộ từng ngành có chuyển dịch theo hướng tích cực. Kết quả đạt được đã phác thảo nên “bức tranh” nông nghiệp với nhiều gam màu sáng. Thời gian tới, sản xuất nông nghiệp chú trọng hình thành các vùng chuyên canh phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, khai thác tối đa lợi thế các sản phẩm đặc thù theo xu hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân.