Dấu ấn sự kiện lịch sử trong nước ngày 12-9

* Sự kiện

- Ngày 12-9-1930: Cao trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh. Hơn 8.000 nông dân phủ Hưng Nguyên (Nghệ An) biểu tình tiến về phủ lỵ. Trước khí thế tiến công của quần chúng, thực dân Pháp cho máy bay ném bom đàn áp đoàn biểu tình làm chết hàng trăm người. Sự kiện 12-9 ở Hưng Nguyên là mốc đánh dấu thời kỳ quyết liệt và đẫm máu nhất của phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh. Cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh kéo dài đến giữa năm 1931 đã làm tan rã bộ máy của chính quyền đế quốc phong kiến và hình thành các xô-viết nắm chính quyền ở nhiều nơi trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Mặc dù Xô Viết-Nghệ Tĩnh chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng đã để lại những bài học vô cùng phong phú và quý báu cho phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung.

- Ngày 12-9-1947: Bác viết “Thư gửi đồng bào khu III”. Trong thư Bác căn dặn: “Cũng như đường xa, đi đến nơi thì thường nhọc mệt, sự nghiệp kháng chiến gần đến lúc thành công thì càng nhiều nỗi gian nan. Vậy chúng ta đã đoàn kết, càng phải đoàn kết chặt chẽ thêm, đã tiến bộ càng phải cố gắng mãi... Phải luôn luôn cẩn thận, luôn luôn cố gắng…”. Những lời căn dặn của Bác không chỉ có ý nghĩa với đồng bào khu III trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp mà trong tất cả các giai đoạn cách mạng.

- Ngày 12-9-1951: Nhân Tết Trung thu, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các cháu nhi đồng, đăng trên báo Cứu quốc, số 1904.Mở đầu là lời thơ: “Trung thu trăng sáng như gương/Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/Sau đây Bác viết mấy dòng/Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung”. Thư có đoạn: “…Ngày nay các cháu là nhi đồng. Ngày sau, các cháu là người chủ của nước nhà, của thế giới. Các cháu đoàn kết thì thế giới hòa bình và dân chủ, sẽ không có chiến tranh... Các cháu biết ghét, biết yêu, biết gắng, các cháu đoàn kết và thi đua như thế thì kháng chiến sẽ chóng thắng lợi, thì Trung thu sẽ vui vẻ hơn...”.

- Ngày 12-9-1959: tại Hội nghị tổng kết phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và phát biểu nhấn mạnh: “Chúng ta tổ chức hợp tác xã trước hết nhằm mục đích nâng cao đời sống nông dân... Phải phát triển hợp tác xã một cách chắc chắn, không nên chạy theo số lượng... Phải cần kiệm xây dựng hợp tác xã”.

- Ngày 12-9-1979: Công bố việc phát hiện Đàn đá Khánh Sơn (Khánh Hòa). Tại thành phố Nha Trang, Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Khánh cũ (nay là tỉnh Khánh Hòa) tổ chức công bố việc phát hiện Đàn đá Khánh Sơn.Từ năm 1979, tại Khánh Sơn đã phát hiện ra những bộ đàn đá, một loại nhạc cụ vào loại cổ sơ nhất của loài người. Đàn đá gồm 12 thanh hình thon dài, nặng 151,3 kg. Khi gõ lên, bộ đàn đá này phát ra 12 âm. Đây là bộ đàn đá đã có từ thời tiền sử, cách đây hàng nghìn năm.

- Ngày 12-9-1987: Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết số 04-NQ/TƯ về cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội.

- Ngày 12-9-2005: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 221/2005/QĐ-TTg xây dựng Chương trình quốc gia phát triển nhân lực đến năm 2020.

- Ngày 12-9-2008: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1251/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch cấp nước vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung và phía Nam đến năm 2020. Mục tiêu định hướng phát triển hợp lý hệ thống cấp nước đô thị của 3 vùng kinh tế trọng điểm này phù hợp với phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh, thành phố thuộc 3 vùng trên đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Theo Quy hoạch, tiêu chuẩn chất lượng nước sạch dùng để thiết kế các công trình xử lý nước cấp cho ăn uống và sinh hoạt lấy theo tiêu chuẩn TCXDVN 33:2006. Đến năm 2010 tổng nhu cầu sử dụng nước sạch (m3/ngày đêm) của cả 3 vùng kinh tế trọng điểm vào khoảng 7.021.800 m3 và sẽ tăng lên 12.020.000 m3 vào năm 2020.

* Nhân vật

- Ngày 12-9-1921: Ngày sinh Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (còn gọi là Huỳnh Minh Siêng) quê ở Ô Môn, Cần Thơ. Ông là ngôi sao sáng của nền âm nhạc cách mạng với nhiều bài hát đi vào lòng người: Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên, Giải phóng miền Nam, Dưới cờ Đảng vẻ vang, Thanh niên ba sẵn sàng, Tiến về Sài Gòn, Tình Bác sáng đời ta… Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn là một nhà lãnh đạo, nhà quản lý tâm huyết. Ông từng giữ các chức vụ: Bộ trưởng Bộ Thông tin - Văn hoá Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam; Vụ trưởng Vụ ca múa nhạc Bộ Văn hóa-Thông tin; Viện trưởng Viện nghiên cứu âm nhạc Việt Nam. Ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước mất ngày 8-6-1989.

Theo TTXVN