CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Chăn nuôi phải gắn với bảo vệ môi trường !

(NTO) Thời gian qua, ngành chăn nuôi ở tỉnh ta đã có bước phát triển mới và đạt được nhiều kết quả khả quan. Thể hiện rõ nhất là mặc dù nắng hạn kéo dài, tác động không nhỏ đến sinh trưởng…nhưng tổng đàn gia súc vẫn được duy trì với trên 86.500 con bò, gần 142.000 con dê, cừu. Riêng đàn heo có gần 67.500 con, tăng khá so cùng kỳ năm trước. Điều cũng đáng nói là đã có nhiều mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp hình thành nhất là ở các huyện miền núi như Ninh Sơn, Bác ái, góp phần tạo ra xu thế phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững. Xác định chăn nuôi là một trong những ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương và ngành liên quan tập trung xây dựng và thực hiện các dự án, mô hình mới nâng cao chất lượng đàn gia súc.

Các cơ sở chăn nuôi gia súc theo mô hình trang trại cần gắn với bảo vệ môi trường. Ảnh: Sơn Ngọc

Tăng cường việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật rộng rãi trong chăn nuôi; tập trung phát triển các giống vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao như: Bò lai sind, heo hướng nạc... theo quy mô tập trung đi đôi với các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, thực tế phải nhìn nhận rằng đã xảy ra “mâu thuẩn” giữa phát triển chăn nuôi với ô nhiễm môi trường tại khu dân cư. Để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống hoặc làm “của để dành”, nhiều nông hộ tận dụng đất vườn nhà để chăn nuôi gia súc. Nếu nuôi với số lượng dăm ba con gọi là “cải thiện ” còn chấp nhận được nếu xử lý tốt chất thải, ngược lại nuôi với quy mô hàng chục con trở lên nhất là đàn heo thì xem như ô nhiễm mùi hôi cả khu vực. Một số trang trại nuôi heo quy mô đến số ngàn con tuy gọi là xa khu dân cư nhưng lại bố trí ở vùng đất cao, đầu nguồn nước… thì đúng là “thảm họa ” cho môi trường sống của người dân xung quanh, tạo nên những bức xúc không cần thiết. Nguyên nhân chủ yếu là do các chủ trang trại này không thực hiện đầy đủ các cam kết về bảo vệ môi trường, bỏ qua khâu xử lý chất thải theo quy định mà xả thải lộ thiên, tự do phát tán...nhằm tiết giảm chi phí đầu tư. Mặt khác, ở đây còn có trách nhiệm của địa phương và ngành chức năng trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường chưa đầy đủ nên dẫn đến thực trạng nêu trên.

Vấn đề đặt ra là cần gắn chăn nuôi với bảo vệ môi trường, tạo sự hài hòa giữa yêu cầu phát triển với môi trường trong lành ở khu dân cư. Để đạt được yêu cầu nêu trên, ngành Nông nghiệp cần phối hợp các huyện, thành phố trong tỉnh tiến hành rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch chăn nuôi sát thực tế theo hướng tổ chức lại sản xuất, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, mở rộng hình thức liên kết, đầu tư chăn nuôi quy mô trang trại, gắn tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo chuỗi giá trị gia tăng ổn định trong chăn nuôi, hướng tới mục tiêu cơ bản là phát triển ngành chăn nuôi bền vững gắn với bảo vệ môi trường; bảo đảm lợi ích cho người chăn nuôi và người tiêu dùng. Mặt khác, đối với chăn nuôi trong dân cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân vay vốn đầu tư phát triển theo mô hình trang trại tập trung xa khu dân cư, theo vùng quy hoạch. Bên cạnh đó, chú trọng tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, kỹ thuật công nghệ sinh học mới vào trong chăn nuôi, sử dụng các chế phẩm sinh học để khử mùi và tăng cường hiệu quả xử lý nguồn thức ăn trong chăn nuôi. Đồng thời, vận động người dân thực hiện xây dựng bể khí sinh học Biogas để xử lý trước khi xả thải ra bên ngoài, tránh làm ảnh hưởng đến công tác vệ sinh phòng dịch và môi trường. Tăng cường năng lực quản lý, bảo vệ môi trường, thể chế hoá yêu cầu bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi…

Thực hiện có hiệu quả một số yêu cầu nêu trên tin rằng sẽ góp phần vừa tạo nên bầu không khí trong lành vốn có ở nông thôn, vừa tăng thu nhập từ chăn nuôi cho người dân.