Đồng hành với thanh niên trong học nghề và tạo việc làm

(NTO) Những năm gần đây, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các ngành, các cấp triển khai thực hiện nhiều hoạt động tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên (TN) trong tỉnh. Qua đó, đã giúp hàng chục nghìn TN, nhất là TN khu vực nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số có được việc làm phù hợp để phát triển kinh tế gia đình.

Đồng chí Nguyễn Hữu Tuấn, Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: Thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho TN, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức triển khai trên các nội dung trọng tâm, đó là truyền thông nâng cao nhận thức của TN và xã hội về học nghề, lập nghiệp; tư vấn hỗ trợ TN khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm cho TN; nâng cao năng lực cho cán bộ Đoàn để hỗ trợ TN học nghề, tạo việc làm tại các cơ sở, địa phương, đơn vị; phối hợp với các ngành chức năng chuyển giao khoa học-kỹ thuật, hướng dẫn thực hiện mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Đồng thời phát hiện, đúc kết mô hình, giải pháp hiệu quả trong tổ chức thực hiện để nhân rộng. Mục tiêu của toàn Đoàn là làm sao thông qua Đề án “Hỗ trợ TN học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015” của Chính phủ và Đề án “Hỗ trợ TN học nghề và tạo việc làm” của UBND tỉnh triển khai và nhiều chương trình lồng ghép khác, ĐV-TN trong tỉnh, nhất là TN miền núi, người dân tộc thiểu số có cơ hội được hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm. Từ đó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu cho gia đình và đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Anh Hán Văn Luận - gương TN sản xuất giỏi trong phong trào TN lập thân, lập nghiệp của tỉnh.

Theo đó, từ năm 2008 đến nay, Tỉnh đoàn đã phối hợp với Trung tâm khởi sự Doanh nghiệp Việt Nam, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ, Liên minh Hợp tác xã… tổ chức 712 lớp tư vấn cho TN khởi sự doanh nghiệp, lập nghiệp và tập huấn kiến thức phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế cho hơn 23.800 lượt cán bộ, ĐV-TN và thành lập 1 CLB “Sáng tạo khởi nghiệp Ninh Thuận”. Phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 116 lớp học nghề trồng nấm, may, đan, tin học, thuyền trưởng, máy trưởng… cho 7.714 TN; mở 25 lớp chuyển giao khoa học-kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho 1.743 TN; tư vấn nghề nghiệp và việc làm cho hơn 40.000 lượt ĐV-TN và học sinh; giải quyết việc làm cho 24.780 ĐV-TN; xuất khẩu lao động được 35 TN. Tỉnh đoàn cũng đã hướng dẫn thành lập 2 HTX TN, 105 CLB khuyến nông, khuyến ngư với 2.996 thành viên; 46 CLB giúp nhau lập nghiệp, 159 tổ vần đổi công, xoay vòng vốn với 2.345 TN tham gia; xây dựng 4 mô hình giúp đồng bào Raglai thâm canh cây lúa nước, sản xuất bắp lai; giúp nhân dân huyện Bác Ái khai hoang, cải tạo trên 12ha ruộng lúa nước…

Các huyện, thành đoàn đẩy mạnh phong trào TN nông thôn thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; tăng cường thực hiện các công trình, phần việc TN gắn với các hoạt động phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, công nghệ; tuyên truyền, giúp TN và nông dân áp dụng khoa học-kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Giới thiệu, hướng dẫn các mô hình, phương thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả cho TN nông thôn như mô hình VAC (vườn, ao, chuồng), VACR (vườn, ao, chuồng, rừng), trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả… Qua đó, đã xuất hiện 153 hộ gia đình TN điển hình làm kinh tế giỏi, tiêu biểu như hộ anh Trần Cao Tiên, xã Xuân Hải (Ninh Hải), làm giàu từ nuôi cá thương phẩm và trồng nho; Hán Văn Luận, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), là chủ doanh nghiệp dệt thổ cẩm… Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội củng cố xây dựng được 241 tổ tiết kiệm và vay vốn, giải ngân các nguồn vốn cho 9.768 hộ gia đình TN và học sinh vay học tập, làm kinh tế, với tổng số dư nợ là 151 tỷ 068 triệu đồng.

Hiệu quả từ công tác hỗ trợ TN học nghề và tạo việc làm đã có những tác động tích cực đến việc tổ chức thực hiện công tác Đoàn và phong trào thanh-thiếu nhi của tỉnh, đặc biệt là phong trào “Đồng hành với TN trong lập thân, lập nghiệp” và công tác mở rộng mặt trận tập hợp, đoàn kết TN trên địa bàn dân cư. Hoạt động hỗ trợ TN học nghề và tạo việc làm cũng thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn đối với công tác bảo vệ, chăm lo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho TN. Qua đó tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để tuổi trẻ thực hiện có hiệu quả các phong trào xung kích, tình nguyện và tham gia phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.